Giảm lỗ đáng kể, FE Credit tất toán 1.300 tỷ đồng trái phiếu trong nửa đầu năm 2024

FE Credit báo lỗ ròng hơn 700 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, giảm mạnh so với khoản lỗ 2.995 tỷ đồng cùng kỳ. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã tất toán 1.300 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) mới đây đã công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên năm 2024.

Theo đó, FE Credit ghi nhận khoản lỗ sau thuế 707 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 2.995 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả này còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ đồng được đề ra.

Tại thời điểm cuối quý II/2024, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã giảm 6,6% còn 9.572 tỷ đồng. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của FE Credit (ROE) âm 7,13%.

Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của công ty đã giảm từ 5,43 lần xuống 5,08 lần, tương đương nợ phải trả giảm từ 55.658 tỷ đồng xuống 48.624 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 99,5 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ HNX, trong nửa đầu năm nay, FE Credit đã chi khoảng 125 tỷ đồng để thanh toán lãi và 1.300 tỷ đồng để trả gốc trái phiếu của 4 mã trái phiếu từ VPFCH2224001 - VPFCH2224004. Các mã trái phiếu này phát hành tháng 4 và tháng 5/2022, có giá trị từ 200 tỷ đồng - 500 tỷ đồng, đáo hạn tháng 4 và tháng 5/2024.

Giảm lỗ đáng kể, FE Credit tất toán 1.300 tỷ đồng trái phiếu trong nửa đầu năm 2024- Ảnh 1.

Nguồn: HNX

Hồi năm 2022, công ty tài chính này từng huy động tổng cộng 8 mã trái phiếu với tổng giá trị 2.400 tỷ đồng. Dữ liệu từ HNX cho thấy, từ đó đến nay công ty chưa phát hành thêm trái phiếu.

FE Credit từng là công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng. Đến tháng 10/2021, VPBank hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (trụ sở Nhật Bản) sở hữu 100% vốn.

Sau đó, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC.

FE Credit từng được coi là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank từng đóng góp từ 40-50% lợi nhuận cho ngân hàng khi báo lãi hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn 2017-2020.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo VPBank nhận định, hai năm qua thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng do nhu cầu suy giảm và những dư luận chưa tốt về tín dụng tiêu dùng. Trong khi FE Credit là công ty tài chính có thị phần lớn nhất nên phải chịu mức lỗ lớn nhất, nợ xấu tăng lên. Vì thế, 2024 sẽ là năm bản lề để công ty khắc phục khó khăn, dự kiến lợi nhuận từ năm 2025 sẽ quay lại mức 3.000-4.000 tỷ đồng.

Mặt khác, VPBank muốn đưa tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của FE Credit giảm xuống, bởi những năm trước lợi nhuận từ công ty tài chính này đã đóng góp tới 40% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần phải đa dạng hoá kinh doanh, gia tăng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận từ các mảng khác như bảo hiểm, chứng khoán…

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT