Giảm sàn 4/5 phiên gần nhất, vốn hóa "bốc hơi" 1 tỷ USD trong vòng 3 tuần, điều gì đang xảy ra với cổ phiếu Vietnam Airlines?

Cổ phiếu HVN đã trải qua giai đoạn tăng nóng hơn 170% trong vòng 3 tháng để lên mức cao nhất 6 năm. Do vậy, áp lực chốt lời của nhà đầu tư là không thể tránh khỏi.

Tiếp tục là một phiên giao dịch "đáng quên" với cổ đông nắm giữ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Sau kỳ thăng hoa trên đỉnh dài hạn, cổ phiếu HVN bất ngờ chứng kiến nhịp điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 7 tới nay.

Chốt phiên 22/7, thị giá HVN chìm trong sắc "xanh lơ", giảm hết biên độ về mức giá 24.350 đồng/cp với lượng dư bán sàn gần 4 triệu đơn vị. Kể từ đỉnh hồi đầu tháng 7 (36.400 đồng/cp), thị giá cổ phiếu hàng không này đã bốc hơi tới 33%. Vốn hóa thị trường cũng bị thổi bay tới 26.700 tỷ đồng (~1,05 tỷ USD) chỉ trong khoảng 3 tuần giao dịch, ghi nhận còn 53.920 tỷ đồng.

Giảm sàn 4/5 phiên gần nhất, vốn hóa

Cần lưu ý rằng, cổ phiếu HVN đã trải qua giai đoạn tăng nóng hơn 170% trong vòng 3 tháng (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6) lên mức cao nhất 6 năm, do vậy, áp lực chốt lời của nhà đầu tư là khá dễ hiểu. Thêm vào đó, việc thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể vượt ngưỡng cản 1.300 điểm, thậm chí đang bước vào nhịp điều chỉnh khiến các cổ phiếu thiếu đi động lực bứt phá, HVN cũng không ngoại lệ.

Đồng thời, kết quả kinh doanh quý 2 của HVN được hé lộ dường như không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức vào ngày 16/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng hàng không này trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Con số này cho thấy Vietnam Airlines vẫn có lãi trong quý 2 nhưng thấp hơn nhiều so với đầu năm.

Theo báo cáo tài chính quý 1, Vietnam Airlines lãi trước thuế 4.528 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với con số hơn 19 tỷ cùng kỳ 2023. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà hãng hàng không này đạt được trong một quý kể từ khi thành lập.

Theo giải trình, lợi nhuận quý này của Vietnam Airlines tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do công ty mẹ, Pacific Airlines và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, hãng bay có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý 1/2024, Pacific Airlines phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay (đây là quý đầu tiên sau đại dịch covid Pacific Airlines có kết quả kinh doanh lãi).

Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý 2 có thể chưa đáp ứng kỳ vọng nhưng Vietnam Airlines vẫn đang trong lộ trình hoàn thành mục tiêu đề ra. Năm nay, hãng hàng không này lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng (tăng 113,6%) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 4.524 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với mức lỗ hơn 5.000 tỷ năm ngoái. Với kết quả sơ bộ đạt được sau 6 tháng, Vietnam Airlines cơ bản đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả .

Giảm sàn 4/5 phiên gần nhất, vốn hóa

Tình hình kinh doanh có chuyển biến tích cực nhưng Vietnam Airlines còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng vào cuối quý 1/2024. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc. 

Ngoài ra, Vietnam Airlines vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết việc thiếu hụt diễn ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và một nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các máy bay đang sử dụng động cơ của Prad Whitney bị triệu hồi để kiểm tra.

Ngọc Ly

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT