Giao dịch chứng khoán có thể bị gián đoạn nếu nhà đầu tư không cập nhật thông tin CCCD gắn chip

Để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý và tránh bị gián đoạn giao dịch trong quá trình sử dụng các sản phẩm/dịch vụ, nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo đến khách hàng về việc thực hiện cập nhật/điều chỉnh CMND/CCCD không gắn chip sang CCCD gắn chip.

Căn cứ theo Luật căn cước số 26/2023/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024) và yêu cầu của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước, thông tin của Nhà đầu tư cần được cập nhật để khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư/hệ thống định danh và xác thực điện tử/căn cước công dân (CCCD) gắn chip.

Để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý và tránh bị gián đoạn giao dịch trong quá trình sử dụng các sản phẩm/dịch vụ, nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo đến khách hàng về việc thực hiện cập nhật/điều chỉnh CMND/CCCD không gắn chip sang CCCD gắn chip. Việc cập nhật có thể được thực hiện theo cả 2 hình thức trực tiếp (tại quầy giao dịch) và trực tuyến.

photo-1723096994762

Một số công ty chứng khoán khác như PSI, VIX, FPTS,… cũng đã gửi thông báo đến nhà đầu tư tuy nhiên không nêu rõ thời hạn cụ thể bắt buộc phải cập nhật. Với việc chứng minh nhân dân sẽ hết hiệu lực vào 31/12/2024, nhà đầu tư chứng khoán sẽ phải cập nhật thông tin CCCD gắn chip trước 1/1/2025 kể cả khi không có thông báo chính thức từ CTCK nếu không muốn giao dịch bị gián đoạn.

Thực tế, việc cập nhật thông tin CCCD là cần thiết để đảm đảm quyền lợi của nhà đầu tư cũng đồng thời góp phần minh bạch hoá thị trường chứng khoán. Đặc biệt, chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với làn sóng tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư mới.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 330.000 tài khoản trong tháng 7/2024, gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm. Đây là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau giai đoạn tháng 5-6/2022.

photo-1723097016433

Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 7 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 146 tài khoản. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 1,1 triệu tài khoản.

Tính đến cuối tháng 7, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 8,11 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Hà Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT