Giao thông Đèo Cả (HHV) trúng thầu quản lý các tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1

Liên danh do HHV đứng đầu vừa trúng thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc đoạn từ Bắc hầm Tam Điệp đến Diễn Châu. Trên tuyến có 3 hầm xuyên núi gồm hầm Tam Điệp, Thung Thi và Trường Vinh.

Giao thông Đèo Cả (HHV) trúng thầu quản lý các tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1- Ảnh 1.

Hầm đường bộ Trường Vinh trên cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: HHV.

Mới đây, Khu Quản lý đường bộ II thuộc Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu số 01: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc đoạn từ Bắc hầm Tam Điệp đến Diễn Châu (Km288+00 - Km420+00), thuộc dịch vụ Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuyến đường cao tốc đoạn từ Bắc hầm Tam Điệp đến Diễn Châu (Km288+00 - Km420+00) và đoạn Cam Lộ - La Sơn, thời gian thực hiện từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/3/2027.

Theo đó, liên danh nhà thầu do CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (MCK: HHV) đứng đầu đã trúng thầu gói thầu số 01, trong đó, HHV đảm nhận tỷ lệ 47,7% tổng giá gói thầu.

Tuyến cao tốc ở khu vực Bắc Trung Bộ nối từ Nghệ An đến Ninh Bình có 3 hầm xuyên núi gồm hầm Tam Điệp và Thung Thi thuộc cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, có chiều dài lần lượt là 245m và 680m. Hầm Trường Vinh thuộc cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có chiều dài 450m.

Đầu tháng 8/2024, liên danh do HHV đứng đầu cũng vừa trúng thầu gói thầu 02: Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Thời gian thực hiện gói thầu là 33 tháng.

Được biết, trước khi trúng thầu gói 01 và gói thầu 02 nói trên, HHV là đơn vị quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho hơn 410km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 30km hầm đường bộ và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước.

Như vậy, tính đến thời điểm này, HHV đang quản lý vận hành tổng cộng 6 tuyến cao tốc và Quốc lộ 1 đoạn qua tình Khánh Hoà, Cầu Mỹ Thuận 2 cùng 11 hầm xuyên núi. Trong đó có 4 hầm xuyên núi lớn nhất Việt Nam là hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả, hầm Núi Vung và hầm Cù Mông. Đây là các hầm có hệ thống thiết bị giao thông thông minh ITS và ETC hiện đại nhất cả nước. HHV cũng là đơn vị đang lưu trữ, quản lý đồng bộ một hệ thống dữ liệu các hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân thông qua thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu giao thông tại các trung tâm dữ liệu ITS-ME.

Về tiến độ thi công các dự án trong nửa đầu năm nay, ban lãnh đạo HHV cho biết công ty đã hoàn thành dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và đưa vào vận hành khai thác từ cuối tháng 4/2024. Dự án này có tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, Giao thông Đèo Cả đã khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 25.300 tỷ đồng.

Đối với dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Giao thông Đèo Cả đặt mục tiêu thông tuyến kỹ thuật vào cuối năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối quý II/2026. Dự án có giá trị hợp đồng thi công xây lắp hơn 14.500 tỷ đồng.

Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025 với tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của HHV đạt 1.503,6 tỷ đồng, tăng 30,6% và lãi sau thuế gần 239 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng quý II/2024, HHV đem về 813,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là doanh thu từ các trạm thu phí BOT, đạt hơn 485 tỷ đồng, tăng 20%; theo sau là doanh thu từ hoạt động xây lắp đạt 302 tỷ đồng, tăng 58,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Sau khi trừ thuế, phí, HHV báo lãi quý II đạt 125 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT