‘Gió đổi chiều’ tại TSMC: Chủ tịch mới từng giữ chức CEO trong 6 năm, sắp lèo lái con thuyền 76.000 nhân sự, được founder Morris Chang đặc biệt tin tưởng
Người đàn ông này đã trải qua 6 năm sôi động nhất lịch sử TSMC kể từ khi Morris Chang đặt nền móng đầu tiên vào năm 1987.
Trong 6 năm, CC Wei âm thầm lèo lái Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan vượt qua những thách thức chưa từng có. Giờ đây, người đàn ông chuẩn bị đảm nhận một vai trò mới, thậm chí còn nổi bật hơn, với tư cách chủ tịch nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Dưới vai trò Giám đốc điều hành, Wei tập trung quản lý công ty, trong khi chủ tịch Liu (người dự tính nghỉ hưu vào năm 2024) đảm nhiệm hoạt động ngoại giao, tiếp dân và giao dịch với chính phủ. Cả 2 đều đã cùng nhau trải qua 6 năm sôi động nhất lịch sử công ty kể từ khi Morris Chang đặt nền móng đầu tiên vào năm 1987.
Trong khoảng thời gian đó, chất bán dẫn, từ một phần không mấy thú vị trong chuỗi cung ứng công nghệ, đã trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Tình trạng thiếu chip chưa từng có do đại dịch COVID càng thúc đẩy các nền kinh tế lớn đưa hoạt động sản xuất chip tiến sâu vào nội địa để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Xu hướng giúp TSMC trở thành tâm điểm chú ý. Nhà cung cấp lâu năm cho Nvidia, Apple, AMD và Qualcomm này không còn chỉ là công ty sản xuất chip thành công nữa mà là một “tài sản địa chính trị” quan trọng.
Theo Nikkei Asia, giá trị thị trường của TSMC đã tăng gần gấp 3 trong sáu năm dưới thời ông Wei và Liu, đạt 699,2 tỷ USD tính đến ngày 28 tháng 5. Doanh thu và lợi nhuận ròng tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian đó, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu trong cuộc đua chip với Intel của Mỹ và Samsung Electronics của Hàn Quốc đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ. Chi phí vốn của TSMC tăng gần gấp 3 lần từ 10,8 tỷ USD năm 2018 lên 30,45 tỷ USD vào năm 2023, vượt quá ngân sách quốc phòng của Đài Loan. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cũng tăng lên 5,8 tỷ USD vào năm 2023 từ mức 2,8 tỷ USD vào năm 2018.
Đảm nhận vai trò mới, ông Wei sẽ phải đối mặt với hàng loạt thử thách, trong đó, điều quan trọng nhất và cũng là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của ông: địa chính trị.
“CC hay Mark đều không phải là chính trị gia”, một cựu giám đốc TSMC nói với Nikkei Asia. “Địa chính trị vẫn là một trong những bất ổn chính, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo công ty cần phải giải quyết. Đó chắc chắn là một vấn đề khó khăn”.
Nhà phân tích chất bán dẫn Arisa Liu tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho biết bất ổn đối với TSMC chủ yếu đều xuất phát từ chính trị.
Thách thức thứ hai liên quan đến chính sự phát triển của TSMC. Công ty hiện có hơn 76.000 nhân viên và lực lượng lao động này đang đa dạng hơn bao giờ hết. Đầu nhiệm kỳ của Wei, hầu hết hoạt động sản xuất của TSMC đều tập trung vào Đài Loan, nhưng trong những năm gần đây, công ty bắt tay mở rộng toàn cầu với tốc độ chưa từng có, lần đầu tiên thành lập các cơ sở sản xuất ở Nhật Bản, Đức và Mỹ.
Tới một vùng đất mới đồng nghĩa với việc TSMC sẽ phải đối mặt với nhiều cú sốc văn hóa. Việc sản xuất chip tại Mỹ đắt đỏ hơn nhiều so với ở Đài Loan (Trung Quốc) và vì vậy, kế hoạch có thể sẽ không được triển khai trơn tru.
“Chi phí xây dựng của TSMC ở Mỹ cao hơn nhiều lần so với ở Đài Loan. Chắc phải gấp 5 lần đó”, Vincent Liu, chủ tịch LCY, công ty sản xuất hóa chất tẩy rửa được sử dụng trong sản xuất chip của TSMC, nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thách thức thực sự đối với TSMC còn nằm ở khâu vận hành nhà máy mới. “Nhà máy có thể mang lại lợi nhuận, song không nhiều bằng ở quê nhà”, một giám đốc điều hành TSMC nói.
TSMC nhận thức sâu sắc những khác biệt sâu xa này. Ngoài cải thiện kỹ thuật, công ty tăng cường đào tạo nhân viên nước ngoài thông qua các lớp học nội bộ để họ có thể hòa nhập dễ dàng.
“TSMC nhận thấy lợi ích khi có sự đa dạng về địa lý trong các hoạt động của mình”, ông Martijn Rasser, cựu sĩ quan CIA, nhận định.
Sinh ra ở Nantao, ông Wei đã đi theo một con đường khác biệt để có được ngày hôm nay. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại Texas Instruments, STMicroelectronics và Charter Semiconductor Manufacturing Co. (nay là GlobalFoundries) trước khi gia nhập TSMC vào năm 1998. Bản thân ông cũng rất thạo quản lý các mối quan hệ.
Một cựu giám đốc TSMC từng làm việc với Wei đã mô tả ông là một người khiêm tốn và bất khuất. Cựu giám đốc TSMC cho biết: “Ông ấy có kiến thức rất vững về hoạt động sản xuất”, đồng thời nổi tiếng với khả năng xử lý các mối quan hệ với các khách hàng quan trọng, trong đó Apple.
“Tất cả chúng tôi đều thích làm việc với Wei”, giám đốc điều hành một công ty là khách hàng của TSMC, cho biết. “Ông ấy có thể làm cho bầu không khí trở nên dễ chịu ngay cả khi chúng tôi đang nói về những chủ đề nghiêm túc và căng thẳng, chẳng hạn như giá cả”.
Peter Wu, cựu hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Chiao Tung (nay là Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung), là bạn học của Wei, nói với Nikkei Asia rằng ngay từ khi còn trẻ, ông đã bộc lộ khả năng xử lý các vấn đề quan trọng bằng một tinh thần quyết tâm, bình tĩnh và tích cực. Điều này giúp ích rất nhiều trong quá trình ông Wei cống hiến tại TSMC và giành được sự tin tưởng của Morris Chang.
“Ông ấy có kinh nghiệm về R&D, điều hành sản xuất và vận hành. Wei cũng có kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh, đồng thời là một CEO có kinh nghiệm thực chiến”, Morris Chang nói.
Theo: Nikkei Asia, Business Insider