Giới nhà giàu Việt chi tiền tỷ săn lùng hiện vật độc lạ đón Tết Giáp Thìn

Cây bồ đề, đào mạ vàng giá tiền tỷ hay những loại quả dừa, bưởi dát vàng có giá cả chục triệu đồng... là những hiện vật được giới nhà giàu săn lùng trong dịp Tết Giáp Thìn này.

Tết Giáp Thìn 2024 năm nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại hiện vật, cây cảnh độ đáo lấy ý tưởng từ con Rồng với mức giá chỉ dành cho giới nhà giàu.

Cây bồ đề, đào mạ vàng giá tiền tỷ

Vừa qua, một cửa hàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM gây sốt thị trường khi trưng bày cây bồ đề cao 3,6m làm bằng đồng mạ vàng 24K có giá 1 triệu USD. Được biết sản phẩm này được chế tác bằng phương pháp thủ công 100% tại Việt Nam. 

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-1707233950.jpeg
Cây bồ đề mạ vàng giá 1 triệu USD. Ảnh: Dân trí

Cây bồ đề có tán rộng gần 4m, khối lượng lên tới 1.168kg gồm 4.600 lá và 26 cành chính cùng 447 cành phụ. Để làm ra cây bồ đề này, 60 nghệ nhân, công nhân nghiên cứu và chế tác tác phẩm phải mất gần 2 năm hoàn thành.

Tương tự, anh Đỗ Xuân Ngọc, Chủ tịch Công ty Mai vàng Rồng Việt (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mất 6 tháng để làm ra hai cây hoa đào đúc đồng, mạ vàng trị giá hàng tỷ đồng. Hai cây này dùng 171kg đồng nguyên chất nhập khẩu từ nước ngoài.

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-2-1707233952.PNG
Chủ nhân cây đào đúc đồng mạ vàng. Ảnh: Dân Việt

Anh Ngọc tiết lộ, thời gian đầu anh phải ra tận làng trồng đào ở Nhật Tân, Hà Nội để học hỏi và nhờ những nghệ nhân lành nghề hướng dẫn. Anh bắt tay thực hiện hai cây đào đầu tiên cao 2m, rộng 1,6m đúng theo thiết kế hoa đào truyền thống.

Riêng hoa đào thiết kế 5 cánh truyền thống, hai tầng biểu trưng cho sự ngũ phúc kép, gấp đôi niềm hạnh phúc, an lành, bình an cho mọi gia đình Việt. 

Cây đào mạ vàng này có giá bán 1,3 tỷ đồng. Hiện sản phẩm cây đào đúc đồng mạ vàng đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và kỷ lục lớn nhất Việt Nam. 

Chậu lan khổng lồ giá 1,86 tỷ đồng

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao hình ảnh chậu hoa lan hồ điệp khổng lồ tại khu chợ đêm Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Chậu lan hồ điệp cao gần 4m, đường kính 3,5m được rao bán với giá 1,868 tỷ đồng.

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-3-1707233950.jpg
Chậu lan khổng lồ cao tới 4m

Chậu lan được kết từ gần 1.000 cành lan loại 1, liên tục được 5-6 người thợ thực hiện trong 2 ngày 2 đêm. Bên cạnh việc đầu tư 868 cành hoa lan hồ điệp loại 1, để thêm phần độc đáo, ngay cả chậu hoa được dát vàng 24K với giá trị hơn 150 triệu đồng.

Ấn Rồng dát vàng

Dịp Tết Giáp Thìn năm nay, các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) tung ra thị trường ấn Rồng dát vàng trong bộ sưu tập mang tên "Dấu ấn rồng thiêng".

Sản phẩm được tạo hình thủ công bằng đất sét. Sau khi được hoàn thiện cơ bản và được tráng men, sản phẩm "phôi" sẽ được nung trong khoảng 5 ngày trước khi được đem đi vẽ vàng. 

Người thợ sẽ dùng dung dịch vẽ vàng 24K để trang trí cho sản phẩm sau đó sẽ được mang đi nung lần 2 ở nhiệt độ phù hợp trong khoảng 6-8 tiếng để tạo nên lớp mạ vàng sang trọng.

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-4-1707233952.jpg
Ấn Rồng dát vàng của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.

Sản phẩm vẽ hoàn thiện đạt được độ sáng đều của vàng, không có vết cháy, các nét vẽ phải liền mạch, không ngắt quãng. Trên 3 mặt sản phẩm có 3 chữ An - Thuận - Phát, mặt còn lại được điêu khắc cảnh cá chép hóa rồng thể hiện sự lột xác, vượt trội, chuyển sang một giai đoạn mới.

Giá thành của các sản phẩm được chào bán từ 8-12 triệu đồng tùy các phiên bản và màu sắc. Mỗi sản phẩm bán ra điều có giấy chứng nhận quyền sở hữu tác phẩm.

Dừa, bưởi dát vàng 

Người miền Nam thường có phong tục trưng dừa trong dịp Tết. Nắm bắt nhu cầu này, vợ chồng anh Nguyễn Anh Vũ (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) nhiều năm qua chuyên làm dừa dát vàng để mọi người trưng Tết.

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-5-1707233950.jpeg
Dừa dát vàng giá 650.000 đồng/cặp. Ảnh: Người Lao động

Anh Vũ cho biết, công đoạn làm dừa dát vàng gồm các bước: Quét keo lên dừa và để khoảng 40 - 45 phút cho keo khô, sau đó dát vàng lên. Khi dát vàng xong, lấy cọ chuyên dùng để quét đều lá vàng và khâu cuối là trang trí theo mẫu tự thiết kế. Mất 1-2 giờ để hoàn thành 1 cặp dừa dát vàng.

Được biết, trung bình mỗi cặp dừa dát vàng có giá khoảng 450.000 - 650.000 đồng. Dịp Tết hàng năm, vợ chồng anh Vũ bán ra trung bình khoảng 250 - 300 cặp dừa dát vàng.

Nếu miền Nam có dừa dát vàng thì miền Bắc có bưởi dát vàng. Tại chợ hoa xuân Tết Giáp Thìn 2024, tổ chức tại TP. Ninh Bình (Ninh Bình), một gian hàng của anh  Nguyễn Hữu Khang (38 tuổi, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) gây chú ý khi trưng bày bưởi dát vàng. 

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-6-1707233951.jpg
Quả bưởi diễn được dát vàng. Ảnh: Vietnamnet

Anh Khang cho biết, năm nay anh nhập gốc cây bưởi Diễn về dát thêm vàng lên quả, chậu, thuê họa sĩ vẽ trang trí để bán ra thị trường. Toàn bộ vàng dùng để dát lên chậu cây và quả là vàng công nghiệp. Mỗi chậu bưởi sau khi được dát vàng có giá dao động từ 15-40 triệu đồng.

Bưởi đỏ tài lộc “tiến vua”

Bưởi đỏ Đông Cao (còn được gọi là bưởi đỏ "tiến vua") với tạo hình chữ tài - lộc độc đáo của người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội đặc biệt hút khách dịp Tết năm nay.

Loại bưởi này chính là được tạo hình chữ tài - lộc, với hai loại bưởi là bánh men và trái nũm. Bưởi đỏ bánh men với hình thù dẹt, tròn được ép khuôn tạo hình thỏi vàng còn bưởi đỏ trái nũm có thành cao được ép khuôn tạo hình nậm rượu hay giọt nước.

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-7-1707233951.jpg
Bưởi đỏ Đông Cao được tào hình chữ Tài - Lộc

Bưởi đỏ Đông Cao có màu xanh khi còn non, chuyển sang màu vàng khi già và khi chín, quả sẽ có màu đỏ rực như trái gấc, thời điểm thu hoạch thường trùng với Tết Nguyên đán. Quá trình tạo hình bưởi được thực hiện từ lúc quả còn non, đòi hỏi sự kỳ công và độc đáo từ người trồng.

Tại thôn Đông Cao hiện có 100 hộ dân trồng bưởi đỏ, cho từ 80 - 100 quả/cây. Loại bưởi này cũng có giá cao hơn so với các loại bưởi thông thường, lên đến 350.000 đồng/quả. 

Quất hình rồng, quất ghép gỗ lũa giá vài trăm triệu

Những ngày giáp Tết, trên tuyến đường Lạc Long Quân (Hà Nội) có trưng bày cặp quất khổng lồ được tạo hình rồng có chiều cao 2 m, chiều dài 3,5 m đang được rao bán với giá hơn 200 triệu đồng.

Theo chia sẻ của nghệ nhân trồng cây cảnh ở Bắc Từ Liêm, để có được cặp quất tán đẹp, uốn lượn hình con rồng, nghệ nhân phải mất 2-3 năm chăm sóc và tạo hình. Cặp quất hình rồng mặc dù đã hoàn thiện nhưng vẫn tiến hành chăm sóc, kiểm tra rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng để đảm bảo cây phát triển ổn định, quả chín đều, đẹp.

gioi-nha-giau-viet-chi-tien-ty-san-lung-hien-vat-doc-la-don-tet-giap-thin-8-1707233951.PNG
Cặp quất hình rồng trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội. Ảnh: Người lao động

Còn tại làng trồng quất bonsai Tứ Liên (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) năm nay được biết đến với quất ghép gỗ lũa độc đáo có giá lên tới cả trăm triệu đồng. Trung bình mỗi cây ghép gỗ lũa giá dao động từ 5 đến 20 triệu đồng/cây, có những cây lên đến cả trăm triệu đồng, tùy vào tuổi thọ, kích thước, thế của cây quất và chất lượng của khúc gỗ, cũng như tổng thể toàn bộ tác phẩm.

Theo chia sẻ của một nhà vườn, để tạo ra một cây quất ghép gỗ lũa đồ sộ như thế này thì những nghệ nhân chúng tôi tại làng Tứ Liên phải mất trung bình từ 4 đến 6 năm để chăm sóc, tạo hình.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT