Góc nhìn chuyên gia: Nhịp điều chỉnh là "điều kiện cần" để bước vào sóng mới, một số nhóm cổ phiếu có thể bật tăng sớm hơn thị trường
Các chuyên gia đồng thuận rằng nhịp điều chỉnh của thị trường là lành mạnh và cần thiết cho nhịp tăng dài hạn và bền vững. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại tại một số nhóm cổ phiếu triển vọng cho tầm nhìn nửa cuối năm.
Thị trường chứng khoán vừa khép lại tuần giao dịch đầy biến động. Nỗ lực giữa tuần giúp VN-Index lấy lại vùng 1.300 điểm sau hai năm. Tuy nhiên, thành quả này nhanh chóng bị xoá tan bởi áp lực chốt lời mạnh trong phiên cuối tuần. VN-Index đóng cửa tuần ở mức 1.279,91 điểm, tương ứng giảm tổng cộng 7,67 điểm (-0,6%) so với tuần trước.
Các chuyên gia đồng thuận rằng nhịp điều chỉnh của thị trường là lành mạnh và cần thiết cho nhịp tăng dài hạn và bền vững. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại tại một số nhóm cổ phiếu triển vọng cho tầm nhìn nửa cuối năm.
Nhịp điều chỉnh là lành mạnh và cần thiết
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh DSC
Thị trường đã có đà phục hồi ấn tượng trong khoảng 2 tháng vừa qua từ đợt suy giảm mạnh giữa tháng 4. VN-Index tăng một mạch 140 điểm trong thời gian ngắn và chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Đà tăng thị trường trong nhịp tăng này được đánh giá là rất lành mạnh khi nhiều nhóm cổ phiếu vượt đỉnh và cho tỷ suất lợi nhuận rất tốt.
Tuy nhiên, điểm trừ trong đợt tăng giá lần này là đà bán ròng quyết liệt của khối ngoại. Tiền nhà đầu tư trong nước đã làm rất tốt khi cân hết lực bán của khối ngoại và đưa thị trường vượt đỉnh cũ. Việc khối ngoại bán ròng dù rất đáng lưu tâm nhưng giai đoạn bán ròng kịch liệt đã qua đi và những cổ phiếu tốt, triển vọng vẫn sẽ có lực cầu cân đối.
Đặc biệt, thị trường có vẻ sẽ vắng thông tin hỗ trợ 2-3 tuần tới cho đến khi các số liệu vĩ mô quý II được công bố và mùa KQKD quý II. Thị trường có thể tạm nhúng xuống, tích lũy, lấy đà và đợi những thông tin mới phản ánh vào giá để có động lực tiếp tục tăng giá.
Chuyên gia DSC cho rằng thị trường chịu phiên bán chốt lời phiên cuối tuần là cần thiết để tích lũy chắc chắn hơn trong bối cảnh thông tin hỗ trợ từ nay đến cuối tháng không còn gì nhiều, trong khi đó khối ngoại vẫn là ẩn số. Thị trường điều chỉnh về vùng cầu dày hơn là điều tốt để chuẩn bị cho một nhịp tăng mới.
Cấu trúc thị trường trong trung và dài hạn không bị ảnh hưởng nhiều sau phiên cuối tuần vừa qua khi hiện tại vẫn có đến 70% số lượng cổ phiếu vẫn giữa được đường trung bình 200 ngày (MA200). Tuy nhiên không thể chối cãi số liệu cấu trúc ngắn hạn đang bị vi phạm và suy yếu khi số lượng cổ phiếu mất xu hướng tăng ngắn hạn tăng nhanh trong phiên bán mạnh.
"Với thanh khoản không quá cao, tôi cho rằng chưa quá đáng ngại và chưa có dấu hiệu để thị trường suy giảm quá sâu. Một đợt điều chỉnh khoảng 5% (nếu có) từ đỉnh là tương đối bình thường. Hỗ trợ quan trọng hiện tại là quanh 1.240-1.250. Thời gian điều chỉnh dự kiến khoảng 2-3 tuần và hoàn toàn có thể có những phiên bull-trap", ông Bùi Văn Huy cho biết.
Về chiến lược ngắn hạn, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng margin và có lượng tiền nhất định để chủ động trước mọi kịch bản. Nếu thị trường về sát hỗ trợ 1.240-1.250 sẽ là cơ hội vào hàng cho nhịp mới. Nếu thị trường không về vùng kỳ vọng mà vẫn neo quanh đỉnh thì cũng không có vấn đề gì, nhà đầu tư nên kiên nhẫn đợi số liệu vĩ mô và KQKD để có hướng hành động mới.
Nhìn xa hơn, ông Huy cho rằng bối cảnh thế giới sẽ cải thiện dần về cuối năm khi FED và các NHTW lớn trên thế giới dần hạ lãi suất. Trong nước, nội tại được củng cố sẽ là lời trả lời cho NĐT nước ngoài. Thêm vào đó triển vọng nâng hạng cũng sẽ ít nhiều là câu chuyện hút thêm vốn. Nhưng qua đợt bán ròng này của NĐTNN cũng thấy giả sử nâng hạng chúng ta thu hút thêm vài tỷ đô thì cũng không phải cái gì đó quá lớn lao, quan trọng vẫn là tiền nội.
Do đó, nhà đầu tư nên tập trung vào nội tại của nền kinh tế và các chính sách nâng cao chuẩn mực thị trường, chất lượng hàng hóa để tạo lợi ích, giữ chân NĐT nội ( dòng vốn chiếm tới 80-90% giao dịch hằng ngày).
Nhà đầu tư dài hạn nên tiếp tục nắm giữ nếu có danh mục phù hợp. Việc lướt lát, đảo hàng trong nhịp điều chỉnh nhỏ chưa chắc có hiệu quả. Đối với NĐT chưa tự tin và danh mục chưa phù hợp, nhịp điều chỉnh là cơ hội phù hợp để tái phân bổ lại tỷ trọng và bổ sung thêm các cổ phiếu tiềm năng.
Đối với các nhóm ngành, chuyên gia vẫn cho rằng các cổ phiếu hưởng lợi theo đà phục hồi kinh tế vẫn sẽ là tâm điểm như bán lẻ, vật liệu, công nghệ, viễn thông, may mặc… Ngân hàng, BĐS vừa có nhịp khởi nghĩa "xịt" và có lẽ lại cần phải đợi khi dòng tiền đủ khỏe và nỗi lo khối ngoại bán ròng dịu lại.
Nhóm ngành kỳ vọng bật tăng sớm
Ông Ngô Minh Đức, Founder Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính LCTV
Thị trường bất ngờ giảm điểm về cuối phiên đưa chỉ số về lại vùng 1.280 điểm chủ yếu do vùng 1.280-1.300 vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh và thị trường vẫn cần thời gian tích luỹ trước khi vượt qua.
Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt kéo thị trường vượt 1.300 điểm có dấu hiệu suy yếu và đảo chiều gây áp lực lên chỉ số chung. Lượng vay margin của các công ty chứng khoán hiện đang ở mức cao cũng gây ra rủi ro điều chỉnh ngắn hạn cho thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng không ngớt từ khối ngoại cũng tác động đến tâm lý thị trường. Từ đầu tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm lên hơn 42.500 tỷ đồng.
Trong khi thị trường đã tăng liền mạch hơn trăm điểm mà vẫn chưa xuất hiện nhịp điều chỉnh đáng kể nào, chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh như hiện tại là lành mạnh và cần thiết cho một xu hướng tăng dài hạn và bền vững.
Trong bối cảnh thị trường biến động, NĐT cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng với những nhịp rung rũ điều chỉnh của thị trường, tránh FOMO quá mức. Dù xu hướng thị trường vẫn sẽ đi lên nhưng cần xác định rõ chiến lược và xây dựng danh mục đầu tư phù hợp.
Khi có chiến lược đầu tư rõ ràng NĐT sẽ biết là nên chốt lời bảo vệ thành quả hay tận dụng cơ hội mua gom. Chuyên gia vẫn cho rằng những nhịp điều chỉnh là cơ hội để gia tăng tỷ trọng, mua gom những cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới
Nhóm ngành được đánh giá có thể hồi phục nhanh sau nhịp điều chỉnh có thể là Thép, Tiêu dùng. Nhóm cần cẩn trọng là những nhóm đã có đà tăng mạnh 100-150% thời gian qua mà chưa có tích luỹ nền trong quá trình đi lên như Công nghệ.