Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn 'dậm chân tại chỗ'

Nguyễn Hà Giang

Theo Ngân hàng Nhà nước, dù đã triển khai được hơn 1 tháng nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn chưa phát sinh dư nợ.

goi-tin-dung-120000-ty-dong-cho-nha-o-xa-hoi-van-dam-chan-tai-cho-antt-1684575647.jpg
NHNN cho biết việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Mới đây, tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức; ông Nguyễn Xuân Bắc- Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ chưa phát sinh dư nợ.

Theo ông Bắc, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như: vấn đề lựa chọn chủ đầu tư, vấn đề quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, vấn đề ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút hay việc xác định giá bán nhà ở xã hội...

Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án.

Đến nay, NHNN chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Do đó, mặc dù được triển khai từ ngày 1/4/2023 nhưng hiện vẫn chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.

Cũng theo Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, các quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh, đơn cử như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.

Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, đại diện NHNN đề xuất cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến năm 2030, cả nước phấn đấu hoàn thành khoảng 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội.

Bộ trưởng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua như việc quy hoạch bố trí quỹ đất, cơ chế, chính sách khuyến khích, trách nhiệm của Nhà nước trong trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội cũng như sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp…

Bộ trưởng nhấn mạnh để hoàn thành mục tiêu, đề án giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn; huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.

Tiểu Vy (t/h)