Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Cần bổ sung quy định thu hồi đất trong phát triển khu kinh tế

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS. TS Đặng Văn Thanh - Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc tạo điều kiện phát triển khu kinh tế, nhất là việc thu hồi đất để tiếp cận nguồn lực về đất đai trong phát triển khu kinh tế là cần thiết, giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực đất đai để thực hiện các dự án đầu tư.

Cần có quy định thu hồi đất đối với các khu chức năng của khu kinh tế

Góp ý Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với dự án khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị và các khu chức năng khác trong khu kinh tế. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?

Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất này. Hiện cả nước có 18 khu kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước. Trong khu kinh tế có các khu chức năng như khu công nghiệp, khu dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, khu đô thị… Khu kinh tế cũng được đưa vào danh mục cần được phát triển và khuyến khích đầu tư, theo đó cơ chế, chính sách khu kinh tế được hưởng tương ứng với địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cụ thể, khu kinh tế được hưởng các chính sách về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu. Do vậy, phát triển khu kinh tế là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo pháp luật hiện hành (NĐ số 35 về khu kinh tế và khu công nghiệp, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập khu kinh tế) và thực tiễn về khu kinh tế đã được hình thành và phát triển trong nhiều năm, các khu kinh tế với những cơ chế, chính sách đặc thù đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và cả nước. Do vậy, việc tạo điều kiện phát triển khu kinh tế, nhất là việc thu hồi đất để tiếp cận nguồn lực về đất đai trong phát triển khu kinh tế là cần thiết. Việc thu hồi đất trong khu kinh tế sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực đất đai để thực hiện các dự án đầu tư.

Như vậy, các khu kinh tế với những cơ chế, chính sách đặc thù đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và cả nước. Theo ông, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải bổ sung thêm quy định gì để tạo động lực phát triển các khu kinh tế?

Dự thảo Luật hiện nay chỉ quy định trường hợp thu hồi đất trong khu phi thuế quan, không bao gồm các khu chức năng khác dẫn đến sẽ mất cân bằng phát triển trong khu kinh tế.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật hiện hành đối với các dự án trong khu kinh tế, Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất sau đó sẽ tiến hành đấu giá lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để đưa ra đấu giá là phải thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500, quy định này không phù hợp với nhu cầu phát triển và vận hành của nhà đầu tư, gây mất thời gian...

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 203 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất trong các khu chức năng của khu kinh tế theo quy hoạch chi tiết xây dựng của khu kinh tế đã được phê duyệt. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong Dự thảo Luật cần có quy định thu hồi đất trong khu chức năng của khu kinh tế.

Vì các lý do trên, tôi đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với dự án khu chức năng trong khu kinh tế. Sửa đổi, bổ sung khoản 22 Điều 79 như sau: "Thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu phi thuế quan, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, khu đô thị và các khu chức năng khác trong khu kinh tế".

Đề nghị không bãi bỏ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không nên bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương liên quan đến quản lý đất đai đã được Quốc hội thông qua tại các Nghị quyết nhằm mục đích tháo gỡ và khắc phục hạn chế của quy định pháp luật hiện hành. Mặc dù Dự thảo Luật Đất đai có phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai và lâm nghiệp, nhưng nội dung này không tương tự như cơ chế đặc thù của các tỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể như sau: Các quy định này của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không áp dụng đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ (hoặc Quốc hội) quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, những cơ chế thí điểm trong các Nghị quyết của Quốc hội đối với Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Cần Thơ, Khánh Hòa được áp dụng không phụ thuộc vào loại dự án thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Quốc hội).

Có thể hiểu những dự án thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ thì HĐND cấp tỉnh cũng được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng. Cụ thể, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Những tiêu chí và điều kiện này có thể quy định khác với tiêu chí và điều kiện trong các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội cho các tỉnh. Bên cạnh đó cần phải chờ hướng dẫn từ Chính phủ trong khi đó dự án đang trong quá trình thực hiện lại thiếu quy định để thực thi.

Ngoài ra, Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa còn quy định nội dung quản lý đất đai khác mà Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện chưa có quy định, như cho phép thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trước khi trước khi thu hồi, thủ tục đặc biệt để tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Tôi cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù này có tính đến đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; nhằm tạo động lực cho các địa phương phát triển, trong đó có nội dung quản lý đất đai và quản lý lâm nghiệp. Thông thường các cơ chế, chính sách này được thí điểm trong vòng 5 năm và được tổng kết để có thể đánh giá, nhân rộng và triển khai hoặc đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Khi chúng ta mới bắt đầu triển khai, thậm chí chưa có đánh giá tính hiệu quả đến đâu thì không nên bãi bỏ.

Vì vậy, tôi đề nghị Luật Đất đai sửa đổi không bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh như: Hải Phòng. Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa.

Cần đánh giá tác động của Luật Đất đai sửa đổi đối với toàn bộ kinh tế - xã hội

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội dành cả ngày mai (3/11) để thảo luận, và dự kiến được thông qua tại cuối kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Đây là bộ Luật quan trọng, nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo nhân dân. Tuy nhiên đến giờ phút này vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Ông có kỳ vọng gì đối với việc thông qua bộ Luật đặc biệt quan trọng này?

Luật Đất đai là bộ Luật vô cùng lớn, cứ 10 năm chúng ta sửa đổi 1 lần: Luật đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật đất đai 2023. Đây là bộ Luật có tác động sâu rộng đến nền kinh tế, tác động trực tiếp đến người dân.

Trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai, cử tri, nhân dân trên cả nước đã tham gia rất tích cực với hơn 12 triệu lượt ý kiến; các cấp, ngành, các nhà khoa học cũng tích cực tham gia góp ý rất. Đến thời điểm hiện tại, nhiều vấn đề về thu hồi đất, định giá đất, đấu thầu, đấu giá đất, những vấn đề về quyền và nghĩa vụ trong vấn đề giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… vẫn còn có nhiều ý kiến đóng góp.

Với rất nhiều góp ý, sẽ còn nhiều vấn đề ở những góc độ khác nhau cần phải được xem xét thật kỹ lưỡng, thấu đáo. Chúng ta cần đánh giá tác động của những quy định về chính sách Luật không chỉ riêng với đối tượng được điều chỉnh hay bị điều chỉnh mà còn tác động đến toàn bộ kinh tế - xã hội. Có như thế khi thông qua Luật Đất đai chúng ta mới yên tâm được.

Luật Đất đai là bộ luật quan trọng liên quan tới cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do đó, khi chúng ta sửa đổi Luật Đất đai một cách đồng bộ với các pháp luật có liên quan sẽ trở thành giải pháp quan trọng để có thể khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT