"Hạ nhiệt" sau chuỗi ngày tăng nóng, cổ phiếu ngành bán lẻ có thể "hút tiền" trở lại?

Cú đảo chiều trên nhóm bán lẻ diễn ra sau khi hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian gần đây, nhiều cái tên đã trở lại vùng giá cao nhất hàng chục tháng, thậm chí lên đỉnh lịch sử.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhịp hồi khá tích cực khi xuất hiện lực cầu về cuối phiên 24/7 giúp VN-Index tăng 6,66 điểm lên mức 1.238,47 điểm.

Trái ngược với diễn biến hồi phục của thị trường chung, nhóm cổ phiếu bán lẻ lại ghi nhận nhiều cái tên "hot" như: DGW, MWG, FRT,… giảm điểm 3 phiên liên tiếp. Các cổ phiếu này hầu hết đã đánh mất từ 2% tới gần 7% giá trị; thậm chí cổ phiếu DGW của Digiworld đã "bốc hơi" gần 13%.

Cú đảo chiều trên nhóm bán lẻ diễn ra sau khi hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian gần đây, nhiều cái tên đã trở lại vùng giá cao nhất hàng chục tháng (MWG, DGW,..), thậm chí FRT còn lên đỉnh lịch sử.

"Hạ nhiệt" sau chuỗi ngày tăng nóng, cổ phiếu ngành bán lẻ có thể "hút tiền" trở lại?- Ảnh 1.

"Sức ép" từ nhiều phía 

Thực tế, dù "quay đầu" điều chỉnh trong vài phiên qua nhưng đa phần các cổ phiếu nhóm bán lẻ vẫn ghi nhận mức tăng hàng chục % so với thời điểm đầu năm. Áp lực chốt lời mạnh là khó tránh khỏi, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chung vừa đánh rơi nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Thêm vào đó, tốc độ phục hồi chậm của ngành bán lẻ cuối năm 2024 có thể sẽ gây sức ép lên nhóm cổ phiếu này trên sàn chứng khoán. 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KBSV cho rằng ngành bán lẻ cuối năm 2024 sẽ tiếp tục hồi phục từ những tín hiệu vĩ mô tích cực, song tốc độ hồi phục ngành có thể sẽ chậm. KBSV cho rằng kỳ vọng hạ lãi suất điều hành của nhiều NHTW lớn sẽ tác động tích cực đến tiêu dùng, song lạm phát dai dẳng cũng là một vấn đề đáng quan ngại khiến lộ trình giảm lãi suất gặp nhiều trở ngại và sức mua tiêu dùng hồi phục chậm hơn dự kiến.

Với bán lẻ ICT, KBSV cho rằng ngành bán lẻ ICT có những kỳ vọng giúp tăng trưởng vào nửa cuối 2024 như chu kỳ thay thế điện thoại, laptop và việc dừng phát sóng 2G, 3G. Tuy nhiên, ngành hàng này hiện tại đã khá bão hoà, cạnh tranh gay gắt nên nhiều chuỗi bán lẻ cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 1 chữ số trong năm nay.

Chung quan điểm, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nhu cầu sản phẩm ICT phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong năm 2023. Tuy nhiên, VND dự báo các nhà bán lẻ ICT chỉ ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức một chữ số vào năm 2024. Nguyên nhân bởi nhu cầu phục hồi chậm từ đáy và tài chính tiêu dùng (chiếm 20-30% doanh thu bán lẻ) chưa có dấu hiệu cải thiện rõ ràng. 

Triển vọng hút dòng tiền lớn trong tương lai

Ở khía cạnh lạc quan hơn, nhóm phân tích KBSV đánh giá các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương cơ sở, tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết 2024 hay kỳ vọng khi nền kinh tế hồi phục cũng tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân, tâm lý tiêu dùng lạc quan sẽ giúp kích thích chi tiêu.

KBSV nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam cũng cho thấy nhiều triển vọng trong tương lai thu hút dòng tiền lớn. Nửa đầu năm 2024, liên tục có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào thị trường trong nước như thương vụ Bain Capital đầu tư vào MSN, CDH Investments đầu tư vào MWG. Nhiều thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới cũng mở rộng cửa hàng tại Việt Nam như UNIQLO, MUJI, Starbucks. Thị trường cũng đang đón chờ những thương vụ IPO lớn của các công ty bán lẻ lớn trong nước như MSN IPO The CrownX, FRT IPO Long Châu.

"Hạ nhiệt" sau chuỗi ngày tăng nóng, cổ phiếu ngành bán lẻ có thể "hút tiền" trở lại?- Ảnh 2.

Đối với MWG (Thế giới di động) với 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX, KBSV cho biết sau khi kết thúc cuộc chiến giá đã chiếm thêm thị phần từ các đối thủ, kết quả kinh doanh hồi phục mạnh mẽ nửa đầu năm 2024 dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm khi sức mua phục hồi. Ngành ICT và ngành CE cũng được hưởng lợi khi năm nay mùa hè đến sớm và khắc nghiệt hơn giúp doanh số máy lạnh tăng mạnh.

Đối với DGW (Digiworld), mặc dù không phải doanh nghiệp bán lẻ nhưng vì là nhà phân phối trực tiếp tới các nhà bán lẻ, DGW cũng hưởng lợi khi ngành bán lẻ hồi phục trong thời gian tới. Ngoài hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành ICT, công ty cũng liên tục mở rộng các ngành hàng khác như thiết bị văn phòng, gia dụng, FMCG để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngành ICT.

Đối với MSN (Tập đoàn Masan), nhóm phân tích KBSV chỉ ra rằng hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng với MCH (Hàng tiêu dùng Masan) và WCM (WinCommerce) tiếp tục ghi nhận tín hiệu tăng trưởng doanh thu trong bối cảnh sức mua đi ngang. MCH dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng nhờ liên tục phát triển sản phẩm ở các ngành hàng mới và đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp lợi nhuận chính cho toàn công ty. Động lực tăng trưởng trong tương lai là WCM sau giai đoạn tái cơ cấu đã đem lại những tín hiệu tích cực, ban lãnh đạo cho biết mục tiêu chuỗi sẽ có lãi sau thuế vào quý 1/2025. 

Đối với nhóm bán lẻ dược phẩm với chuỗi Long Châu của FRT (FPT Retail) dẫn đầu thị trường và liên tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần trong khi các đối thủ còn lại là An Khang (MWG) và Pharmacity vẫn đang loay hoay tìm điểm hoà vốn. KBSV cho rằng xu hướng trong tương lai các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ vượt trội so với các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ lợi thế quy mô, dịch vụ, chất lượng sản phẩm đảm bảo.

"Về định giá, nhiều công ty đã vượt hoặc đang tiệm cận P/S trung bình 5 năm phản ánh những kỳ vọng hồi phục của ngành bán lẻ. Chúng tôi cho rằng câu chuyện kỳ vọng hồi phục của ngành bán lẻ sẽ còn kéo dài đến năm 2025, nhà đầu tư vẫn có thể mở mua cổ phiếu ngành bán lẻ trong những nhịp điều chỉnh chung của toàn thị trường", báo cáo cũng nêu rõ.

"Hạ nhiệt" sau chuỗi ngày tăng nóng, cổ phiếu ngành bán lẻ có thể "hút tiền" trở lại?- Ảnh 3.

Ngọc Ly

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT