Hà Nội đề xuất hai địa điểm xây dựng sân bay thứ 2 ở Thủ đô
Hà Nội đề xuất xây dựng sân bay có diện tích 1.300 ha tại 2 huyện Thanh Oai và Thường Tín hoặc tại huyện Ứng Hòa với diện tích xây dựng sân bay 1.700 ha.
UBND Tp.Hà Nội vừa có tờ trình HĐND Thành phố về định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065.
Theo đó, Thành phố xác định Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cửa ngõ quan trọng nhất trong giao lưu quốc tế của miền Bắc và Hà Nội. Dự báo, Cảng hàng không có lưu lượng hành khách thông qua đến năm 2030 là 60 triệu khách/năm (diện tích khoảng 1.500 ha); sau năm 2030 lên đến 100 triệu khách/năm (diện tích khoảng 2.200 ha, mở rộng về phía nam).
Cảng hàng không thứ 2 nằm ở phía nam, đông nam là cảng nội địa, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần. Cảng hàng không thứ 2 có công suất 30 - 50 triệu khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500 ha, sẽ triển khai sau năm 2030.
Trong nội dung tờ trình, có 2 phương án địa điểm để xây dựng sân bay thứ 2 của thủ đô. Với phương án 1, sân bay có diện tích 1.300 ha thuộc địa bàn của 4 xã (Tân Ước, Thanh Vân của huyện Thanh Oai; Tiền Phong, Tân Minh của huyện Thường Tín).
Khi xây dựng sẽ giải phóng mặt bằng 2 khu dân cư xã Thanh Vân với hơn 52 ha và khoảng 5.000 người ảnh hưởng. Đường điện 500 kV cũng phải di chuyển khỏi ranh giới sân bay.
Ưu điểm của phương án 1 là khoảng cách vào trung tâm thành phố 20 - 30 km; gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL1A, QL21B, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; gần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.
Tuy nhiên, nếu chọn phương án này sẽ gặp phải một số nội dung cần giải quyết. Đó là có thể phải điều chỉnh hướng tuyến của đường trục kinh tế phía nam, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Với phương án 2 là sây dựng sân bay tại khu vực thuộc địa bàn 5 xã: Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) với diện tích xây dựng sân bay 1.700 ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người.
Ưu điểm của phương án 2 là có trục không gian phía nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay.
Tuy nhiên, nếu chọn vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32 km và di chuyển đường điện 500 kV ra khỏi ranh giới sân bay. Đồng thời, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn sẽ chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn.
Theo kế hoạch, tờ trình sẽ được HĐND Tp.Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 7.