Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 thấp kỷ lục

Habeco đặt mục tiêu kinh doanh năm 2023 với lãi trước thuế xấp xỉ 274 tỷ đồng, giảm tới 48% cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 15 năm qua kể từ khi cổ phần hóa năm 2008.

Ngày 31/5 tới đây, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, MCK: BHN) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại Hà Nội.

Trong tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2023 mới công bố, Habeco đặt mục tiêu doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính của công ty mẹ đạt 7.367 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với mức thực hiện 6.938 tỷ đồng vào năm ngoái.

ly-do-habeco-dat-muc-tieu-loi-nhuan-2023-thap-ky-luc-1683879895.JPG
Habeco lên kế hoạch lãi trước thuế 2023 xấp xỉ 274 tỷ đồng, giảm tới 48% so với năm trước đó. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, Habeco dự kiến lãi trước thuế xấp xỉ 274 tỷ đồng, giảm tới 48% và đồng thời là mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua kể từ khi cổ phần hóa năm 2008. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 222,1 tỷ đồng, cổ tức 8%. Trước đó năm 2022, Habeco kết thúc năm tài chính với khoản lãi trước thuế 517 tỷ đồng, tăng 88,2% so với kế hoạch và 37,3% so với cùng kỳ.

Lý giải nguyên nhân đặt ra mức lợi nhuận thấp kỷ lục này, lãnh đạo Habeco cho biết năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn ảnh hưởng của tình hình chiến sự thế giới và dịch bệnh khó lường. Trong khi đó, thị trường còn tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính. 

Đặc biệt, công ty dự đoán tình trạng giá cả đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh tăng mạnh điển hình như bột trợ lọc (tăng 25%), hoa houblon (tăng 10%), gạo (tăng 4%), đường (tăng 8%).

Riêng với malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân mua vào hồi năm 2022. Năm tới, công ty sẽ mất lợi thế mua malt với mức tăng chỉ 10% như năm ngoái. 

Cùng với đó, ông lớn ngành bia miền Bắc còn tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cùng ngành có hậu thuẫn và tiềm lực kinh tế dồi dào. Lãnh đạo Habeco thậm chí thừa nhận công ty đang yếu thế hơn so với những tập đoàn đối thủ.

Mặt khác, doanh nghiệp này cũng chỉ ra xu hướng chuộng bia nhập khẩu của người tiêu dùng hay bị các loại bia có nguồn gốc từ doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ có giá thành thấp hơn bào mòn thị phần.

Dù đã đặt ra kế hoạch kinh doanh thấp kỷ lục nhưng việc hoàn thành chỉ tiêu vẫn là thách thức to lớn với Habeco. Bởi lẽ trong quý đầu năm, công ty đã lỗ ròng 3,7 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Habeco báo lỗ sau 12 quý liên tiếp kể từ quý II/2020.

Cũng theo Báo cáo tài chính quý I/2023 vừa qua, doanh thu thuần đạt 1.172,6 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá vốn hàng bán đã tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp vẫn sụt giảm mạnh 30,7% về còn gần 245,7 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 76% lên mức 45 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm về còn 2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm lần lượt 13% và 10%, ở mức 204,7 tỷ đồng và 85,3 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Habeco đạt 6.581,7 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền và tương đương tiền, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn) chiếm 44,8% tổng tài sản, ở mức 2.954 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Habeco đạt 1.280,7 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thời điểm đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp này đạt 80,5 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng nguồn vốn.

Habeco tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 2003, chuyển đổi hình thức sang công ty cổ phần từ tháng 12/2007 và niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ ngày 19/1/2016.

Tính đến cuối quý I/2023, chủ sở hữu của các thương hiệu Bia Hà Nội và Bia Trúc Bạch có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của Nhà nước chiếm 81,79%; Carlsberg Breweries A/S (công ty sản xuất rượu bia của Đan Mạch) nắm 17,34% vốn điều lệ.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT