Hai cổ đông lớn của KPF cùng thoái sạch vốn

Ông Nguyễn Quang Huy và bà Lê Thị Như Thanh đã bán toàn bộ số cố phiếu nắm giữ tại KPF, qua đó, 2 cá nhân này đã không còn là cổ đông lớn của công ty.

hai-co-dong-lon-cua-kpf-cung-thoai-sach-von-antt-1694496393.jpg
Hai cổ đông lớn của KPF cùng thoái sạch vốn. Ảnh minh hoạ

CTCP Đầu tư tài sản Koji (MCK: KPF) vừa công bố báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Huy- Thành viên HĐQT KPF đã bán thành công toàn bộ 6.043.600 cổ phiếu KPF đã đăng ký trước đó. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 7/9-8/9.

Sau giao dịch, ông Huy không còn nắm giữ cổ phiếu KPF nào.

Cùng chiều giao dịch, bà Lê Thị Như Thanh đã bán ra toàn bộ 6.062.527 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại KPF, chiếm 9,96% vốn điều lệ của công ty. Quađó, bà Thanh không còn là cổ đông lớn của Koji kể từ ngày 8/9/2023.

Như vậy, 2 cổ đông lớn này đã bán tổng cộng hơn 12,1 triệu cổ phiếu KPF, chiếm 19,89% vốn công ty.

Trước đó, ngày 22/2, ông Nguyễn Quang Huy đã mua hơn 4,3 triệu cổ phiếu KPF, nâng sở hữu từ 2,93% lên 9,93% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn tại Đầu tư tài chính Koji.

Bà Lê Thị Như Thanh cũng trở thành cổ đông lớn tại Đầu tư tài chính Koji sau khi tiến hành mua vào hơn 3,2 triệu cổ phiếu KPF vào ngày 22/2, nâng sở hữu từ 4,58% lên 9,96% vốn điều lệ. Như vậy, chỉ sau chưa đầy nửa năm, 2 cá nhân này đã thoái toàn bộ vốn tại Koji.

Về tình hình doanh nghiệp, KPF đã liên tiếp 5 lần thay đổi chủ tịch trong vòng 2 năm qua. Lần gần nhất là vào đầu tháng 8 vừa qua, HĐQT bổ sung ông Nguyễn Khánh Toàn vào HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, KPF đã thay chủ tịch vào ngày 1/4/2023, bổ nhiệm ông Vũ Ngọc Hoàng làm Chủ tịch HĐQT. Sang đến ngày 25/4/2023 lại miễn nhiệm ông Hoàng và bổ nhiệm ông Hoàng Văn Hậu làm Chủ tịch HĐQT. Đến ngày 15/6/2023, miễn nhiệm ông Hậu và sang đến tháng 8 mới bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.

Ở diễn biến khác, ngày 28/8 vừa qua, KPF nhận được quyết định của Cục Thuế TP. HCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Theo đó, tổng số tiền KPF bị cưỡng chế là 10,85 tỷ đồng. Lý do là công ty nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.

Trước đó, ngày 14/8, KPF cũng bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng số tiền nêu trên.

Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 1 tỷ đồng tại Quý 1. Quý 2 không ghi nhận phát sinh doanh thu. Đặc biệt, phần lớn doanh thu đạt được trong kỳ đến từ doanh thu hoạt động tài chính với 27,3 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của KPF ghi nhận 3,6 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng nhưng KPF vẫn phải chi 1,4 tỷ cho chi phí quản lý doanh nghiệp. Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 18,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, giảm 73% so với cùng kỳ.

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT