Hai thập kỷ kinh doanh của Thế giới di động: 19 năm THĂNG hoa, 1 năm TRẦM cảm
Ra đời vào tháng 3/2004, CTCP đầu tư Thế giới di động từng có nhiều năm liên tục tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp khủng hoảng kinh tế hay những sự kiện bất khả kháng như Covid. Tuy nhiên, năm 2023, hệ thống bán lẻ điện thoại, điện máy hàng đầu ở Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Tăng trưởng bất chấp khủng hoảng kinh tế và Covid
Tháng 3/2004, Công ty TNHH Thế Giới Di Động (TGDĐ) thành lập với lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính mua bán, sửa chữa các thiết bị liên quan đến điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số và các lĩnh vực liên quan đến thương mại điện tử…
Tháng 10/2004, Công ty đã khai trương siêu thị đầu tiên tại 89A, Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM. Dịch vụ khách hàng và website đã được quan tâm và chăm chút ngay từ những ngày đầu tiên này. Đây cũng chính là "bí quyết kinh doanh" giúp TGDĐ phát triển vượt bậc và nhanh chóng trở thành một ông lớn trong ngành bán lẻ điện thoại, điện máy.
Tất nhiên, một yếu tố khách quan "thiên thời, địa lợi" của TGDĐ trong giai đoạn phát triển vượt bậc này là được hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, TGDĐ đã tận dụng được cơ hội và trở thành cái tên thống lĩnh trong ngành với số lượng cửa hàng đứng đầu cả nước.
TGDĐ chỉ mất 5 năm từ 2011-2015 để đưa quy mô doanh thu từ hơn 5.000 tỷ lên gấp 5 lần, hơn 25.000 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế từ hơn 150 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 8 lần.
Đáng chú ý giai đoạn 2011-2013 cũng là những năm kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trải qua rất nhiều “nốt trầm” nhưng TGDĐ vẫn vượt qua vững vàng và tăng tốc mạnh mẽ vào năm 2013.
Năm 2014, đánh dấu chặng đường 10 năm thành lập và phát triển của công ty với sự kiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM vào ngày 14/7, mã MWG, mức giá tham chiếu 68.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 9/2014, MWG tiến hành phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 1000:700 để tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng.
Chặng đường 5 năm tiếp theo của TGDĐ vẫn gắn chặt với 2 từ "tăng trưởng". Thậm chí, Covid đã "bóp chết" rất nhiều doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn, cũng đã không cản được lợi nhuận của TGDĐ tăng trưởng dương. Năm 2021, lợi nhuận TGDĐ đạt đỉnh 4,9 nghìn tỷ đồng.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu xấu đi từ cuối năm 2022, khi lần đầu tiên MWG đã không giữ được lợi nhuận tăng trưởng dương. Từ đỉnh 4,9 nghìn tỷ đồng năm 2021, lợi nhuận giảm còn 4,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Ban lãnh đạo đã dự báo tình hình kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng khi ấy, không ai có thể tưởng tượng, vài nghìn tỷ lợi nhuận một năm lại có thể "bốc hơi" nhanh như vậy.
Nhiều "lần đầu tiên cay đắng" trước thềm 20 năm tuổi
Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10 vừa qua công bố, MWG cho biết họ có kế hoạch đóng cửa khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm. Trên thực tế, trước khi thông tin được đưa ra, nhiều cửa hàng Thế giới di động tại TP Hồ Chí Minh đã treo biển chuẩn bị cho việc ngừng kinh doanh, theo đó hướng dẫn khách hàng tới điểm bán gần nhất.
Tính đến cuối tháng 10, số lượng cửa hàng Thegioididong là 1.158 cửa hàng, bao gồm 99 TOPZONE và 2.281 cửa hàng Điện máy Xanh, bao gồm 1.031 ĐMS.
Như vậy, so với thời điểm đầu năm, đến cuối tháng 10, MWG đã giảm ròng 35 cửa hàng (trên tổng số 3.474 cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh, trong đó đóng cửa 1 TOPZONE) và kế hoạch đóng cửa bớt một số điểm bán được triển khai mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm.
Việc thu hẹp số lượng cửa hàng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của MWG, khi tình hình kinh doanh xấu đi ngoài dự đoán. Trước đó, 9 tháng đầu năm 2023, công ty lãi vỏn vẹn hơn 77 tỷ đồng, con số thậm chí còn không bằng thời điểm cách đây chục năm trước với hơn 200 cửa hàng.
Để dễ so sánh, có thể nhìn lại năm 2011 MWG đã lãi hơn 150 tỷ đồng với tổng số cửa hàng Thegioididong.com là 200, và chuỗi siêu thị Điện máy Xanh mới mở trong năm này (đến tháng 3/2012, mới có khoảng 12 cửa hàng ĐMX).
Với mức ngấp nghé lãi như trên, khi mà chi phí vận hành của một hệ thống vài nghìn cửa hàng trên toàn quốc là rất lớn, thì việc cơ cấu, đóng cửa bớt các điểm kinh doanh đang ghi nhận EBITDA lao dốc là cần thiết để "cứu" lợi nhuận.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đã thừa nhận trong cuộc họp với nhà đầu tư hồi tháng 11 rằng, trong bối cảnh sức mua bị ảnh hưởng, lẽ ra MWG phải cắt rất nhanh, giảm nhanh mọi chi phí bao gồm chi phí vận hành, chi phí con người, chi phí điện đóm v.v... nhưng lần này MWG đã đóng hơi chậm chạp.
"Như vậy, năm sau chỉ có những thứ đem lại hiệu quả mới tiếp tục được đầu tư, tập trung và dồn nguồn lực để đem lại nhiều hơn. Những gì thuộc hệ kém hiệu quả, ăn bám sẽ được di dời ra khỏi tập đoàn này", ông Tài kết luận.
Lòng tin của nhà đầu tư?
Được niêm yết từ 2014, tuy nhiên, MWG đã sớm trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu được ưa thích và lựa chọn bởi các nhóm cổ đông ngoại trên thị trường chứng khoán. Sau khi bắt đầu “kín room ngoại” kể từ đầu 2015, theo thống kê, số lần MWG “hở room ngoại” với giá trị từ trên 0,5% tính đến thời điểm hiện tại tương đối hiếm hoi.
Thậm chí, trong quá khứ, nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để sở hữu MWG.
Tuy nhiên thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu bớt phần hào hứng với MWG. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại cổ phiếu MWG hầu như đều hạ xuống mức thấp hơn sau mỗi phiên giao dịch trong vòng 3 tháng vừa qua.
Tại thời điểm cuối phiên 7/12, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MWG ghi nhận ở sát mức 44,3%, tương ứng hở "room" gần 5% và lượng cổ phiếu NĐTNN có thể mua thêm lên tới gần 69 triệu đơn vị. Đây là mức "hở room" ngoại lớn nhất của MWG trong nhiều năm qua.
Nói về động thái bán ròng miệt mài của khối ngoại, trong cuộc họp với nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng điều này có thể xuất phát từ những nghi ngại về kết quả kinh doanh của MWG, nỗi lo về câu chuyện Bách hoá Xanh hòa vốn trong năm 2023 không như kỳ vọng hoặc sự phục hồi của chuỗi Thegioididong.com. Ông Tài cho rằng bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm như vậy, thách thức lòng tin của nhà đầu tư.
"Ai có niềm tin sẽ bình tâm, tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp thì có thể bán ra", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Sau "niềm tin" của khối ngoại, các nhà đầu tư vẫn đang quan sát "niềm tin" của người trong cuộc, thông qua các động thái mua vào cổ phiếu MWG của lãnh đạo Thế giới di động.
Mới đây, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài vừa hoàn tất mua 110.000 cổ phiếu MWG trên tổng số 1 triệu cổ phiếu đã đăng ký. Thời gian giao dịch từ ngày 8/11 đến ngày 7/12.
Lý do ông Nguyễn Đức Tài không mua hết số cổ phiếu đã đăng ký là diễn biến thị trường không phù hợp. Sau giao dịch, vị doanh nhân này đã tăng sở hữu tại MWG từ 35,1 triệu đơn vị lên 35,2 triệu đơn vị (2,4% vốn).
Dù không hoàn thành được đợt giao dịch trước đó, ông Nguyễn Đức Tài tiếp tục đăng ký mua thêm 500.000 cổ phiếu MWG nữa. Thời gian thực hiện từ ngày 12/12 đến ngày 10/1/2024 bằng giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.