Hai tỉnh có 'liên kết sâu sắc về lịch sử, phát triển kinh tế' bàn chuyện sáp nhập, quy mô GRDP địa phương mới trên 650.000 tỷ đồng

Tại buổi làm việc thảo luận về thực hiện chủ tương hợp nhất, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và Bí thư Thành ủy Hải Phòng đều nhấn mạnh, hai địa phương có mối liên kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, địa lý và phát triển kinh tế – xã hội.

Hải Phòng và Hải Dương có mối liên kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, địa lý và phát triển kinh tế – xã hội

Chiều 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng có buổi làm việc nhằm thảo luận, thống nhất nhiều nội dung trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương về việc hợp nhất.

Tại hội nghị, ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh, hai địa phương có mối liên kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, địa lý và phát triển kinh tế – xã hội. Thời gian qua, Hải Dương và Hải Phòng luôn tích cực hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng như: Hạ tầng giao thông, công thương, du lịch, nông nghiệp, an ninh chính trị, an toàn xã hội; tiếp tục khẳng định vị thế động lực tăng trưởng của vùng, khu vực.

Hai tỉnh có 'liên kết sâu sắc về lịch sử, phát triển kinh tế' bàn chuyện sáp nhập, quy mô GRDP địa phương mới trên 650.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, ông Trần Đức Thắng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Dương)

Về thực hiện chủ trương của Trung ương về hợp nhất, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cơ bản thống nhất việc thành lập tổ công tác chung. Ông Thắng cũng đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Thành ủy chủ động nắm bắt tình hình dư luận, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện hợp nhất.

Ông Trần Đức Thắng cũng đề nghị UBND hai địa phương chủ động phối hợp thống nhất phương án bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh mới. Bên cạnh đó, đề nghị ban tổ chức 2 Tỉnh ủy, Thành ủy tham mưu cho Thường trực hai bên về các nguyên tắc chung để xây dựng phương án nhân sự cấp ủy và bố trí, sắp xếp cán bộ của các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tin tưởng, với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ giữa hai Ban Thường vụ, quá trình hợp nhất sẽ được thực hiện thành công; tạo ra một đô thị lớn, hiện đại, văn minh và phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ, là động lực phát triển mới của cả nước.

Tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng cho biết, Hải Phòng và Hải Dương có sự gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội. 

Từ lâu, hai địa phương đã chung một cội nguồn, cùng là vùng đất xứ Đông kiên trung, địa linh nhân kiệt, cùng chung không gian văn hóa châu thổ sông Hồng, với phong tục, lễ hội, nếp sống tương đồng. Hải Phòng và Hải Dương đều có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ phát triển năng động, giao thương mật thiết và dân cư cần cù, hiếu học, có truyền thống cách mạng.

Hai tỉnh có 'liên kết sâu sắc về lịch sử, phát triển kinh tế' bàn chuyện sáp nhập, quy mô GRDP địa phương mới trên 650.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hải Dương)

Ông Châu nhấn mạnh, việc hợp nhất là cơ hội để hai địa phương cộng hưởng thế mạnh, mở rộng không gian phát triển, tối ưu nguồn lực, phát huy vai trò động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, xây dựng một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics hiện đại, phát triển bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hải phòng giao Đảng ủy UBND thành phố phối hợp với Đảng ủy UBND Hải Dương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án hợp nhất. Bên cạnh đó, Văn phòng Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy Hải Dương tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện các nội dung công việc để thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường vụ hai địa phương. 

Ông Lê Tiến Châu cho biết, hai địa phương sẽ khẩn trương nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông kết nối giữa TP. Hải Phòng và Hải Dương để tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, 2 địa phương cần tập trung hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, giải quyết các công việc bảo đảm tính kết nối, không để gián đoạn trong thực hiện các nhiệm vụ...

TP. Hải Phòng sau hợp nhất có quy mô kinh tế trên 650.000 tỷ đồng, quy mô dân số trên 4 triệu người

Hải Dương nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê, Hải Dương rộng trên 1.668 km2 và dân số trung bình trên 1,9 triệu người. 

Theo Chi cục Thống kê Hải Dương, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước 107,4 triệu đồng, đứng thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 10,2%; cao thứ 6/63 cả nước và thứ 3/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng (sau TP. Hải Phòng 11,01% và Hà Nam 10,93%). Đóng góp mạnh nhất vào tăng trưởng là công nghiệp, xây dựng, với mức tăng 13,14%.

Hải Phòng là thành phố ven biển nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương. Thành phố có rộng trên 1.526 km2, quy mô dân số trên 2,1 triệu người.

Theo Chi cục Thống kê Hải Phòng, với quy GRDP ước 445.995 tỷ đồng, năm 2024 là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô lớn nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 8.665 USD.

GRDP (theo giá so sánh) năm 2024 ước tăng trưởng 11,01%, xếp thứ 3 cả nước, là năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,69%, đóng góp mạnh nhất vào kết quả tăng trưởng, 

Như vậy, TP. Hải Phòng sau hợp nhất có quy mô kinh tế đạt 658.381 tỷ đồng, diện tích trên 3.190 km2 và dân số trên 4 triệu người. 

Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).

Trung ương đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34, bao gồm 11 tỉnh, thành được giữ nguyên, không thực hiện sáp nhập; 23 tỉnh, thành còn lại thực hiện sáp nhập từ 52 tỉnh, thành.

Theo Nghị quyết, tỉnh Hải Dương hợp nhất với TP. Hải Phòng, dự kiến lấy tên là TP. Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Hải Phòng hiện nay.

Hà Giang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT