Hàng chục nghìn tấn hàng từ Belarus bất ngờ đổ bộ Việt Nam trong tháng 1: Là cứu tinh của nông sản Việt, thế giới lại tiếp tục lên cơn sốt

Đây là mặt hàng đang gây sốt khi giá tăng mạnh và nguồn cung thắt chặt trên khắp thế giới.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 373 nghìn tấn với trị giá hơn 143 triệu USD, so với tháng 12 giảm 13,04% về lượng nhưng tăng 15,67% về trị giá.

Giá nhập khẩu bình quân đạt 384 USD/tấn, tăng mạnh 33% chỉ trong 1 tháng.

Xét về thị trường, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp phân bón lớn nhất của Việt Nam với sản lượng đạt hơn 120 nghìn tấn, tương đương hơn 34 triệu USD, giảm mạnh 52,3% về lượng và giảm 48,5% về trị giá so với tháng 12. Giá bình quân 282 USD/tấn, tăng gần 8% so với tháng trước.

Đứng thứ 2 về sản lượng là Nga với hơn 88 nghìn tấn, trị giá hơn 52 triệu USD, tăng mạnh 4.142% về lượng và tăng đến 6.373% về trị giá so với tháng 12. Giá trung bình 596 USD/tấn, tăng mạnh 53% chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Hàng chục nghìn tấn hàng từ Belarus bất ngờ đổ bộ Việt Nam trong tháng 1: Là cứu tinh của nông sản Việt, thế giới lại tiếp tục lên cơn sốt- Ảnh 1.

Đáng chú ý, một trong những ông trùm phân bón khác của thế giới bắt đầu gửi mặt hàng đến Việt Nam là Belarus. Lượng nhập khẩu phân bón từ thị trường này đạt 27.379 tấn với trị giá hơn 8,4 triệu USD, trong khi trước đó không ghi nhận nhập khẩu mặt hàng này. Giá bình quân đạt 309 USD/tấn, rẻ gần 1 nữa so với thị trường chủ đạo là Nga.

Belarus là một trong những nước xuất khẩu chính kali của thế giới. Trong những năm sản lượng tốt nhất, quốc gia này đã cung cấp cho thị trường thế giới 10 đến 12 triệu tấn phân bón với phạm vi địa lý xuất khẩu bao gồm hơn 100 quốc gia. Hơn một nửa trong số tất cả các doanh số này được chuyển đến Brazil, Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ và 15% khác được chuyển đến các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường AgroMonitor, nguồn cung hàng hóa giao ngay thắt chặt trong khi nhu cầu tăng đã hỗ trợ kéo giá lên. Tại Ấn Độ, đấu thầu nhập khẩu ure đóng ngày 23/1 vừa qua tiếp tục không mua được lượng hàng như kỳ vọng nên nhiều khả năng sẽ có một phiên thầu nhập khẩu khác sớm được phát hành với các lô hàng xếp trong tháng 3 tới đây. 

Bình quân trong tháng 1/2025, giá ure thế giới đã tăng khoảng 26-52 USD/tấn/, tương đương mức tăng 6-15% so với tháng 12/2024. Tại Trung Đông, nguồn cung vẫn hạn chế tại Iran khi hầu hết các nhà sản xuất vẫn dừng máy, ngoại trừ 1 dây chuyền sản xuất của Công ty Pardis (công suất 1,07 triệu tấn/năm) vẫn duy trì sản xuất nhưng chủ yếu cung cấp cho nội địa.

Theo dự báo của Công ty Argus, nhu cầu nhập khẩu phân ure tháng 2 vẫn tăng mạnh từ Australia, Đông Nam Á, Châu Âu, Mexico, Trung Mỹ… kéo giá từ các nhà cung cấp Iran, Ai Cập… tăng mạnh. Các chuyên gia cho hay, giá phân bón sẽ tăng nhẹ toàn cầu khoảng 3 - 5%, có khả năng tác động lên mức giá trong nước, đặc biệt tại các khu vực phụ thuộc nhiều vào phân bón nhập khẩu. 

Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Brazil tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng giá phân bón. Nếu nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường này, Việt Nam có thể gặp phải áp lực cạnh tranh nguồn cung, dẫn đến giá nội địa tăng theo.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT