Hàng ngàn tỷ đồng tại “siêu dự án” Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát
Liên quan đến vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã truy thu, tạm giữ loạt tài sản của cá nhân bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cơ quan điều tra cũng đã kê biên hơn ngàn bất động sản, bao gồm dự án liên quan đến Quốc Cường Gia Lai (QCG) là Phước Kiển với tổng diện tích 91,6ha (Nhà Bè, Tp.HCM).
Phước Kiển là một dự án đáng chú ý nhất của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về độ lớn và quy mô cũng như những lùm xùm kiện cáo trong thời gian dài. Nó từng được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho Quốc Cường Gia Lai (QCGL), tuy nhiên cuối cùng lại trở thành rào cản của Công ty.
Dự án này có diện tích 91,6 ha nằm tại huyện Nhà Bè, TP.HCM, QCGL đã ký biên bản hợp tác với Sunny Island từ 2016 và bắt đầu hành trình khởi kiện từ cuối năm 2020.
Tháng 3/2017, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) và CTCP Đầu tư Sunny Island (Sunny) đã ký với nhau Hợp đồng hứa mua và hứa bán liên quan đến Dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Theo hợp đồng, Sunny sẽ phải chuyển cho QCG số tiền 4.800 tỷ đồng theo lộ trình được quy định trong hợp đồng và QCG có nghĩa vụ chuyển nhượng phần đất tương ứng với số tiền đã nhận.
Tuy nhiên, mâu thuẫn xảy ra khi Sunny chỉ giải ngân đến 2.882 tỷ đồng thì dừng lại. Trước động thái của Sunny thì sau khi quá hạn chuyển tiền, QCG đã nộp đơn khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào cuối năm 2020 để giải quyết tranh chấp. Mong muốn của QCG là trả lại toàn bộ 2.882 tỷ đồng đã nhận từ Sunny, đổi lại phía Sunny phải chuyển nhượng lại toàn bộ phần đất đã nhận.
Trong khi phía VIAC vẫn chưa có kết luận chính thức thì Sunny lại có động thái nộp đơn tố cáo QCG lên Công an TP.HCM về hành vi gian dối chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của QCG, CEO Nguyễn Thị Như Loan cũng đã có báo cáo về vấn đề này. Theo bà Loan, từ tháng 5, Sunny Island đã giao hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích khoảng 65 ha tại dự án Phước Kiển cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCG.
"Sunny Island đã giữ toàn bộ sổ đỏ của 65ha và đến bây giờ không biết để đâu. Trong hồ sơ gửi trọng tài, họ nói họ gửi ở SCB. Chúng tôi đã đến SCB để hỏi và SCB chưa trả lời. Điều này làm chúng tôi ú tim bởi khi trọng tài phán quyết rồi nhưng không có sổ đỏ thì mình phải làm sao?
May mắn là chúng tôi được thông tin hồ sơ dự án được giữ tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03). C03 đã mời QCG đến đối chiếu hồ sơ. Rất may hồ sơ không thừa, không thiếu, không mất.
C03 phải điều tra dòng tiền 2.882 tỷ đó của ai, có dính dáng gì đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không? Nếu dính dáng, C03 sẽ trình và ra quyết định mình phải trả lại bao nhiêu tiền. Đến giờ này chưa có câu trả lời chính thức", bà Loan nói.
Đầu năm nay, QCG vui mừng nhận được Quyết định thi hành án chủ động của Cục thi hành án dân sự TP.HCM về việc hoàn trả số tiền gần 17 tỷ đồng đang tạm giữ tại tài khoản của Cơ quan an ninh điều tra CA TP.HCM.
Đồng thời, QCG cũng nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến vụ tranh chấp giữa QCG và CTCP Đầu tư Sunny Island liên quan tới dự án Phước Kiển. VIAC tuyên bố QCG đã chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định và buộc Sunny Island phải hoàn trả cho QCG toàn bộ hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng mà Sunny Island đã nhận theo biên bản giao nhận ngày 31/03/2017.
VIAC cũng tuyên bố rằng việc Sunny Island giao hồ sơ đền bù đất, giải phóng mặt bằng khoảng 65 ha đất từ QCG cho SCB mà không có sự đồng ý bằng văn bản hoặc ủy quyền của QCG là vi phạm quy định.
Theo phán quyết, Sunny Island phải hoàn trả cho QCG 50% phí trọng tài gần 3,4 tỷ đồng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết (10/5). Trong trường hợp chậm thanh toán, Sunny Island sẽ phải trả thêm tiền lãi chậm trả với mức lãi suất 10%/năm, tương ứng với thời gian chậm trả và số tiền chậm trả.
Dù phán quyết của VIAC có lợi cho Công ty, song cổ đông vẫn rất băn khoăn các bước tiếp theo tại dự án không phải đơn giản, Công ty cần có lộ trình rõ ràng để cổ đông theo dõi và phải giải quyết cho bằng được.
Trả lời điều này, bà Loan cho biết, pháp lý là vấn đề của cả nước chứ không của riêng doanh nghiệp bất động sản nào, bản thân lãnh đạo Công ty cũng không muốn nhưng bây giờ lực bất tòng tâm.
"Mình làm sao mặc áo qua khỏi đầu được? Mình sống phải tôn trọng pháp luật. Nếu được, cổ đông có thể giúp tôi một dự án nào ở Tp.HCM trong 3 năm qua gỡ được pháp lý. Đây là câu hỏi trăn trở của cổ đông, của cả hội đồng quản trị QCG và nặng nề nhất là bản thân tôi.
Tôi cũng muốn về hưu rồi, tôi cũng muốn gỡ pháp lý dự án này ra để các cổ đông theo cùng tôi, cùng C ông ty bao năm qua phải được đền đáp lại. Việc gì đấu tranh có lợi cho C ông ty chúng tôi đã làm hết sức, ví dụ điển hình là vụ Sunny Island. Có ai dám đứng ra đấu tranh với một đối thủ mạnh như vậy ở Tp.HCM này không? Tôi đã liều mình đấu tranh và bây giờ chúng ta giành lại được rồi.
Cổ đông yêu cầu tôi trả lời dứt khoát chừng nào tháo gỡ được dự án hoặc phương hướng, tôi xin thưa là tôi không làm được, tôi không trả lời được bởi pháp lý hiện nay bị tắc không phải do tôi.
Hàng trăm dự án nhà ở không đủ điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải riêng mình. Có 117 dự án thì đã vướng hết 115 dự án, trong đó có 62 dự án không có đất ở mà theo quy định ở Nghị định 71, Luật Nhà ở trước đây không có đất ở vẫn làm được", bà nói.