Hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng bị thu thuế VAT tự động từ 1/8

Từ 1/8, hải quan sẽ áp dụng quy trình tự động hóa thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp (dưới 1 triệu đồng) qua chuyển phát nhanh.

Cục Hải quan mới đây có thông báo về việc triển khai Thông tư 29/2025 quy định về thu thuế giá trị gia tăng (VAT) tự động đối với hàng hóa giá trị thấp nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Theo đó, hải quan sẽ áp dụng quy trình thu thuế VAT tự động với các lô hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được vận chuyển qua chuyển phát nhanh. Việc này nhằm giải quyết vấn đề phát sinh sau khi chính sách miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng được bãi bỏ.

Theo kế hoạch, giai đoạn thí điểm từ ngày 9/7 đến 31/7 được áp dụng với một số doanh nghiệp. Sau đó, Cục Hải quan chính thức áp dụng cho tất cả doanh nghiệp chuyển phát nhanh qua mọi hình thức hàng không, đường bộ, đường sắt từ ngày 1/8.

Hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng bị thu thuế VAT tự động từ 1/8 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo ước tính của Bộ Tài chính từ trước đó, hàng ngày có từ 4 đến 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.

Trước đây, hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn cả thuế nhập khẩu và VAT. Tuy nhiên, chính sách miễn VAT này đã bãi bỏ từ ngày 18/2 với việc hàng hóa dưới 1 triệu đồng vẫn được miễn thuế nhập khẩu nhưng bắt buộc phải đóng VAT.

Trong quá trình triển khai chính sách, vấn đề phát sinh là hệ thống hải quan chưa cập nhật để thu thuế VAT cho các lô hàng giá trị thấp này. Do vậy, cơ quan hải quan và doanh nghiệp thực hiện khai và thu thuế theo phương thức thủ công, điều này gây tốn kém thời gian, nhân lực và dễ sai sót.

Do đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2025 để tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho việc thu thuế VAT tự động trên hệ thống hải quan với mục tiêu là hiện đại hóa, giảm thủ tục hành chính và đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho Nhà nước.

Theo Cục Thuế, trong nửa đầu năm nay, các tổ chức và cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, kênh online đã nộp khoảng 98.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế, cả nước hiện có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng.

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT