Hậu SCIC thoái vốn, Tổng Công ty Thăng Long sắp kiện toàn nhân sự

Sau khi SCIC thoái vốn và hai lãnh đạo nộp đơn từ nhiệm, Tổng Công ty Thăng Long triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để kiện toàn nhân sự.

Tổng Công ty Thăng Long - CTCP (MCK: TTL, sàn HNX) vừa thông báo 28/2 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2025. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/02.

Thời gian và địa điểm tổ chức họp sẽ được thông báo sau. Tuy nhiên, TTL tiết lộ nội dung cuộc họp là thông qua việc miễn nhiệm chức vụ với thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Đồng thời, bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát. Các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ...

Hậu SCIC thoái vốn, Tổng Công ty Thăng Long sắp kiện toàn nhân sự- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, hai lãnh đạo của Tổng Công ty Thăng Long vừa có đơn từ nhiệm. Cụ thể, ông Nguyễn Trung Hiếu (SN 1982) có đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT và ông Ngô Tiến Đạt (SN 1994) từ nhiệm vị trí Thành viên Ban Kiểm soát kể từ ngày 4/2.

Cả ông Hiếu và ông Đạt đều là cán bộ của cổ đông Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và được bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát Tổng Công ty Thăng Long tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Cả hai có đơn từ nhiệm sau khi SCIC thoái vốn thành công.

Hồi cuối tháng 12/2024, SCIC thông báo thoái vốn thành công 10,5 triệu cổ phiếu TTL, tương ứng tỷ lệ 25,09%. Kết quả một nhà đầu tư đã trúng đấu giá lô cổ phiếu nói trên với giá 222,6 tỷ đồng, tương đương 21.201 đồng/cổ phiếu.

Người trúng đấu giá là ông Phạm Tuấn Vũ. Sau đó, nhà đầu tư này có báo cáo đã mua thành công 10,5 triệu cổ phiếu TTL, nâng tỷ lệ sở hữu lên 25,09% vốn và trở thành cổ đông lớn của Tổng Công ty Thăng Long.

Được biết, ông Phạm Tuấn Vũ từng là Kế toán trưởng của Tổng Công ty Thăng Long, được bổ nhiệm vào ngày 24/12/2021 và miễn nhiệm vào ngày 15/09/2022. Ông Vũ sinh năm 1982, hiện thường trú tại Hà Nội và có trình độ chuyên môn là Cử nhân kinh tế.

Ngoài ông Phạm Tuấn Vũ, cổ đông lớn nhất nắm quyền chi phối tại TTL là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng TNG với 21,15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 50,5%). TTL còn có một cổ đông lớn khác là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội nắm 3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,16%).

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, Tổng Công ty Thăng Long ghi nhận doanh thu thuần gần 460 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng rất mạnh nên lợi nhuận gộp giảm 47% chỉ còn 27 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp tạo ra không đủ để bù đắp chi phí. Kết quả, Tổng Công ty Thăng Long báo lợi nhuận sau thuế ở mức âm 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 10 tỷ đồng.

Tính chung năm 2024, Tổng Công ty Thăng Long mang về doanh thu thuần 1.664 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023. Do khoản lỗ quý IV/2024 nên lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong khi năm trước vẫn lãi 29 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ còn âm 7,8 tỷ đồng, trong khi năm 2023 có lãi hơn 23 tỷ đồng.

Hà Ly

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT