"Hãy thôi làm nghề môi giới BĐS theo kiểu tạm bợ, chộp giật hay sống bằng may rủi thị trường"
Đây là nhận định của ông Trần Bảo Huy – Giám đốc điều hành Viện Eagle Academy khi đề cập đến cộng đồng môi giới bất động sản hiện nay
Thưa ông, vì sao hiện nay việc tổ chức thi chứng chỉ môi giới bất động sản bị dừng?
Trước đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội đồng thi chứng chỉ hành nghề và có sự phối hợp khá hiệu quả giữa các bên liên quan. Hiện nay, khi luật pháp đang trong quá trình điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu hội nhập, việc tổ chức thi tạm thời gián đoạn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều Sở Xây dựng địa phương dù có mong muốn triển khai nhưng vẫn lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, việc gián đoạn này là cơ hội để chúng ta xây dựng một hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề hiện đại, minh bạch và sát với nhu cầu thực tế hơn. Việc này, nếu được thực hiện đúng hướng, sẽ tạo đòn bẩy cho việc chuẩn hóa nguồn lực môi giới và nâng tầm tính chuyên nghiệp cho toàn ngành.

Ông Trần Bảo Huy – Giám đốc điều hành Viện Eagle Academy.
Nhiều môi giới không có chứng chỉ nhưng vẫn hàng tốt, ông đánh giá thế nào?
Hiện nay vẫn có nhiều người làm nghề môi giới mà chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng họ vẫn bán được hàng, thậm chí có giao dịch rất tốt. Điều đó không sai, nhưng cần nhìn nhận rõ: đó là những trường hợp đặc biệt – họ có quan hệ cá nhân, có sự nhạy bén với thị trường hoặc đơn giản là làm việc trong nhiều doanh nghiệp có đội ngũ marketing cung cấp khách hàng và nguồn cung dự án trong thời gian qua bị hạn chế, nên dễ tạo ra được giao dịch thành công.
Nhưng về dài hạn, khi thị trường bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hóa, minh bạch và pháp lý được siết chặt, thì năng lực hành nghề và sự tuân thủ chuẩn mực sẽ trở thành yếu tố sống còn.
Chứng chỉ không đơn thuần là một tấm giấy hợp thức hóa về mặt pháp lý. Nó còn là công cụ để nhà nước chuẩn hóa thị trường, đồng thời là cam kết đạo đức và chuyên môn của người làm nghề. Ai nghiêm túc với nghề, thì việc có chứng chỉ hành nghề là điều tất yếu. Thiếu nó, môi giới không chỉ gặp rào cản pháp lý mà còn khó được tin tưởng trong các thương vụ lớn, hoặc không được tham gia vào những sàn phân phối và dự án đòi hỏi tiêu chuẩn cao trong tương lai.
Ông từng chia sẻ: có đến 60% môi giới được tuyển dụng vào nghề nhưng không được đào tạo chính thức trước khi bắt đầu công việc?
Đúng vậy, con số 60% không qua đào tạo chính thức trước khi bắt đầu nghề là một tín hiệu đáng báo động (theo số liệu báo cáo từ VARS). Nó cho thấy rằng phần lớn người làm môi giới hiện nay bước vào thị trường với tâm thế "vừa làm vừa học", thiếu nền tảng cơ bản về pháp lý, thị trường, kỹ năng tư vấn – những yếu tố tối thiểu để đảm bảo một giao dịch an toàn và hiệu quả. Khi đầu vào không được kiểm soát và chuẩn hóa, chất lượng nhân sự sẽ bị thả nổi, dẫn đến hệ lụy lâu dài cho toàn bộ thị trường.
Từ góc độ đào tạo, tôi cho rằng giải pháp không chỉ nằm ở việc mở thêm các lớp huấn luyện, mà quan trọng hơn là cần xây dựng một hệ sinh thái đào tạo theo lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng – từ người mới vào nghề đến cấp quản lý và cả chủ doanh nghiệp bất động sản.
Khi công nghệ số và AI được ứng dụng rộng rãi, theo ông, AI có thể thay thế môi giới trong hoạt động bán hàng? Và trong tương lai, AI sẽ tác động thế nào đến nghề môi giới bất động sản?
AI không thay thế được môi giới nhưng AI sẽ thay thế những người làm nghề không chịu thay đổi. Trên thực tế, AI đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán hàng bất động sản.
Các nền tảng AI có thể hỗ trợ tìm kiếm khách hàng tiềm năng, phân tích hành vi, dự đoán xu hướng mua sắm và tự động hóa nhiều quy trình – từ chăm sóc khách hàng đến đề xuất sản phẩm. Nhưng để đi từ dữ liệu đến niềm tin, từ thông tin đến quyết định, vẫn cần sự hiện diện của một người tư vấn có trải nghiệm, có khả năng xử lý tình huống linh hoạt và có năng lực kết nối cảm xúc với khách hàng.

Theo Giám đốc điều hành Viện Eagle Academy, AI không thay thế được môi giới nhưng AI sẽ thay thế những người làm nghề không chịu thay đổi. Ảnh minh họa do AI tạo
Tương lai của nghề môi giới không nằm ở việc chống lại công nghệ, mà nằm ở khả năng thích nghi và làm chủ công nghệ một cách chủ động và sáng suốt.
Điều quan trọng là môi giới phải biết hợp tác với công nghệ, thay vì đối đầu. Trong các khóa đào tạo, chúng tôi thường tích hợp các công cụ AI, từ phân tích nhu cầu khách hàng, xây dựng thương hiệu cá nhân, đến vận hành hệ thống chăm sóc khách hàng. Mục tiêu là giúp học viên không chỉ hiểu về AI, mà còn biết tận dụng nó như một "trợ lý thông minh" để nâng cao hiệu suất công việc.
Nếu có thể chia sẻ một thông điệp đến cộng đồng môi giới bất động sản hiện nay, ông sẽ nói gì?
Nghề môi giới bất động sản là một nghề rất đặc biệt, vừa là người kết nối cung cầu thị trường, vừa là người đồng hành cùng khách hàng trong một quyết định quan trọng bậc nhất cuộc đời họ: sở hữu tài sản. Nhưng để được xã hội công nhận đúng mức, chính chúng ta – những người làm nghề phải nghiêm túc hơn với chính nghề của mình.
Hãy thôi làm nghề theo kiểu tạm bợ, chộp giật hay sống bằng "may rủi thị trường". Nếu đã chọn nghề môi giới như một sự nghiệp, thì hãy đầu tư vào chính mình – từ nền tảng kiến thức, kỹ năng, cho đến sự chuyên nghiệp trong hành xử và đạo đức nghề nghiệp. Thị trường có thể biến động, chính sách có thể thay đổi, nhưng giá trị của một người làm nghề tử tế thì luôn bền vững.
Bất động sản không dành cho người muốn giàu nhanh, nhưng chắc chắn là nơi dành cho người đủ bản lĩnh để đi đường dài. Và tôi tin rằng, thế hệ môi giới kế tiếp – nếu được đầu tư đúng sẽ là lực lượng tạo ra một thị trường bất động sản chuyên nghiệp, minh bạch và đáng tin cậy hơn trong tương lai.
Xin cảm ơn chia sẻ từ ông!