HBC, LDG, Lộc Trời... và nhiều doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận năm 2023 sau kiểm toán

Như thường lệ sau mỗi mùa kiểm toán báo cáo tài chính sẽ có không ít doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận vì nhiều lý do khác nhau. HBC, LDG, Lộc Trời, Năm Bảy Bảy... chính là một số doanh nghiệp bị "bốc hơi" lợi nhuận năm 2023 sau kiểm toán.

Chênh lệch doanh thu, chi phí

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) ghi nhận lỗ ròng 1.111 đồng, tăng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu thuần và giá vốn của có sự điều chỉnh ngược chiều nhau, dẫn đến lãi gộp giảm 13% so với báo cáo tự lập. Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng đến 57%, lên 758 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dự phòng.

Tính đến cuối năm 2023, HBC có lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở tính đến cuối năm 2023 còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.

Đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 của HBC liên quan đến việc thu hồi tạm ứng, thu hồi nợ; nhấn mạnh về khoản lỗ lũy kế hơn 3.240 tỷ đồng và một số khoản nợ quá hạn thanh toán dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Một trường hợp bị sụt giảm lợi nhuận sau kiểm toán do hụt doanh thu từ công ty liên kết như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG).

Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, Lộc Trời “bốc hơi” đến 94% lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể, lãi ròng giảm từ 265 tỷ đồng trước kiểm toán xuống còn gần 17 tỷ đồng, tức giảm tới 248 tỷ đồng.

hbc-ldg-loc-troi-va-nhieu-doanh-nghiep-sut-giam-loi-nhuan-nam-2023-sau-kiem-toan-1712140259.jpg
 

Nguyên nhân do doanh thu điều chỉnh giảm hơn 19 tỷ đồng, còn giá vốn hàng bán tăng gần 16 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản lãi từ công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng đến từ việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tự lập, và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ Tập đoàn.

Lộc Trời báo lãi từ công ty liên kết tăng đột biến vào quý 2/2023, ghi nhận khoản lãi 327 tỷ đồng, đây là phần lãi lũy kế sau khi mua công ty liên kết – CTCP Lương thực Lộc Nhân.

Điểm tích cực là chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 77 tỷ đồng sau kiểm toán, góp công lớn giúp Lộc Trời thoát lỗ trong năm 2023.

Tương tự, lãi sau thuế của Công ty CP City Auto (mã: CTF) chỉ còn 44 tỷ đồng, giảm khoảng 2 tỷ đồng, tương đương 4,6% so với từng ghi nhận trên báo cáo tài chính tự lập quý IV/2023.

Tổ chức kiểm toán City Auto cho rằng, năm 2023 phần thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của công ty tăng thêm 1,5 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 19% so với con số lũy kế đã báo cáo trước đó.

Tăng trích lập rủi ro

Nhiều doanh nghiệp khác cho biết lợi nhuận sụt giảm sau kiểm toán do tăng trích lập dự phòng. Điểm hình là Công ty CP Đầu tư LGD (mã: LDG) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 với việc lỗ ròng thêm 153 tỷ đồng và bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến Khu dân cư Tân Thịnh và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Khánh Hưng.

Cụ thể, sau kiểm toán, LDG lỗ ròng hơn 527 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán và chi phí quản lý lần lượt tăng 41% và 222% so với báo cáo tự lập, lên 80 tỷ đồng và 248 tỷ đồng.

hbc-ldg-loc-troi-va-nhieu-doanh-nghiep-sut-giam-loi-nhuan-nam-2023-sau-kiem-toan-2-1712140259.jpg
 

Trong phần giải trình, LDG cho biết đơn vị kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo tài chính quý IV/2023 mà LDG công bố trước đó.

Một trường hợp khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế trong báo cáo kiểm toán năm 2023 đạt gần 486 tỷ đồng, giảm 199 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương đương giảm 78% so với năm 2022.

Theo giải trình của Novaland, nguyên nhân phát sinh chênh lệch chủ yếu là do khoản lỗ đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết theo yêu cầu từ đơn vị kiểm toán trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Còn tại Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã: TTF) bị chuyển từ lãi 11 tỷ đồng sang lỗ ròng tới 134 tỷ đồng sau kiểm toán. Qua đó, TTF nâng tổng lỗ luỹ kế tới hơn 3.225 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.

Sự chênh lệch này chủ yếu đến từ khoản lỗ khác 70 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 18 tỷ đồng. Nguyên nhân là TTF ghi nhận thêm chi phí phạt thuế hơn 40 tỷ đồng cùng với lỗ từ xóa sổ và thanh lý tài khoản hơn 39 tỷ đồng.

Ngoài chênh lệch từ lợi nhuận khác, TTF ghi nhận các chi phí cũng đồng loạt tăng như giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp…

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) cũng "bốc hơi" 87% lợi nhuận sau thuế năm 2023 sau kiểm toán. Cụ thể, tại báo cáo tự lập NBB báo lãi hơn 8 tỷ đồng nhưng sau kiểm toán chỉ còn vỏn vẹn 1,1 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên đến từ việc NBB phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và trích thêm lãi chậm nộp thuế.

Hay CTCP Lizen (mã LCG) giảm 14,2% lợi nhuận so với trước kiểm toán về mức hơn 101 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc trích lập thêm dự phòng nợ phải thu khó đòi.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT