Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hệ sinh thái tầm cỡ của ông 'trùm' mỏ đá Yên Bái Vũ Thanh Hiếu

Hà Thị Lưu Luyến

Không chỉ là chủ sở hữu Nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng Vũ Gia, ông Vũ Thanh Hiếu còn có cả hệ sinh thái doanh nghiệp khai thác khoáng sản quy mô lớn tại tỉnh Yên Bái và nhiều địa phương khác.

Như ANTT đã thông tin, tháng 6/2023, ông Phạm Sỹ Quý trở thành Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH một thành viên khai thác và chế biến khoáng sản Vũ Gia Yên Bái (gọi tắt là Công ty Vũ Gia Yên Bái).

Doanh nghiệp này được biết đến là chủ sở hữu Nhà máy sản xuất, chế biến đá vôi trắng Vũ Gia tại thôn Hợp Nhất xã Thịnh Hưng huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Dự án này được khởi công vào tháng 8/2020 (khi đó là Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Vũ Gia Yên Bái) với tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng với quy mô 25,5 ha, trong đó tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình 10,5 ha; tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên 15 ha.

Đến tháng 12/2022, Vũ Gia Yên Bái tiếp tục được phê duyệt là đơn vị thực hiện Dự án đầu tư khai thác đá hoa trắng khu vực Phan Thanh 1, Phan Thanh 2, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có tổng quy mô 18,82 ha, công suất khai thác đá hoa làm ốp lát lên tới 12.200m3/năm.

Pháp nhân lõi - Công ty Quản lý Vũ Gia

Vũ Gia Yên Bái là một thành viên nằm trong hệ sinh thái doanh nghiệp khai thác khoáng sản đại gia Vũ Thanh Hiếu (sinh năm 1963, trú tại Hà Nội).

Vũ Gia Yên Bái thành lập tháng 1/2016 và là một trong những "viên gạch" đầu tiên đặt nền móng cho chuỗi doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh Yên Bái sau này của ông Vũ Thanh Hiếu.

Tại thời điểm tháng 11/2018, công ty Vũ Gia Yên Bái tăng vốn điều lệ lên mức 31 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Công ty TNHH Đầu tư Quản lý Vũ Gia chiếm 81%, bà Vũ Phương Mai (sinh năm 1980, Giám đốc) chiếm 1% và ông Vũ Thanh Hiếu chiếm 18%.

Từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2020, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Vũ Thanh Hiếu chính thức đứng tên đại diện doanh nghiệp này. Tuy nhiên, ông Vũ Thanh Hiếu trở thành người được ủy quyền đại diện cho toàn bộ 300 tỷ đồng vốn điều lệ của doanh nghiệp, thời điểm góp vốn là tháng 11/2020.

ho-so-he-sinh-thai-tam-co-cua-ong-trum-mo-da-yen-bai-vu-thanh-hieu-1701162573.jpg
Ông Vũ Thanh Hiếu phát biểu tại Lễ khởi công xây dựng xây dựng Nhà máy sản xuất và chế biến đá vôi trắng Vũ Gia hồi tháng 8/2020. Ảnh: Truyền hình Yên Bái

Qua tìm hiểu, trong hệ sinh thái của đại gia Vũ Thanh Hiếu, Công ty TNHH Đầu tư Quản lý Vũ Gia (gọi tắt là Công ty Quản lý Vũ Gia) đóng vai trò là pháp nhân lõi, đại diện góp vốn cho các công ty thành viên. Công ty này được thành lập thành lập tháng 4/2015; trụ sở chính tại số 141 phố Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.

Thời điểm mới thành lập, ông Vũ Thanh Hiếu là cổ đông sáng lập doanh nghiệp còn người đại diện pháp luật là ông Võ Tiến Dũng (sinh năm 1976).

Chủ tịch HĐQT Vũ Thanh Hiếu trở thành người đại diện pháp luật doanh nghiệp từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2023. Sau đó người thay thế là Tổng giám đốc Vũ Thanh Bình (sinh năm 1996).

Kể từ khi thành lập đến nay, Công ty Quản lý Vũ Gia đã hai lần tăng vốn điều lệ. Lần gần nhất từ tháng 1/2021 đến nay, công ty có vốn điều lệ 240 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Trước đó tại thời điểm tháng 3/2020 cơ cấu cổ đông của công ty Quản lý Vũ Gia gồm: Ông Vũ Thanh Hiếu chiếm 91,28%, bà Nguyễn Thị Thu Hương (cùng địa chỉ với ông Hiếu) chiếm 7,8% và ông Vũ Thanh Bình chiếm 0,92%.

Cũng từ tháng 3/2020, Công ty TNHH Đầu tư Quản lý Vũ Gia chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quản lý Vũ Gia .

Trong hệ sinh thái của mình, ông Vũ Thanh Hiếu hiện còn đứng tên đại diện tại một số doanh nghiệp. Trong đó, CTCP Đá Cẩm thạch Vũ Gia Việt Nam thành lập tháng 9/2017, trụ sở tại Khu C, khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An (công ty không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký).

Công ty này có vốn điều lệ 168 tỷ đồng, trong đó Công ty Quản lý Vũ Gia chiếm 45%, ông Lê Đức Hùng 25%, ông Phạm Văn Quyết 25% còn ông Vũ Thanh Hiếu là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật nhưng chỉ chiếm 5%.

Một doanh nghiệp khai khoáng khác vẫn do ông Vũ Thanh Hiếu đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và đứng tên đại diện đó là CTCP Tập đoàn MIT Việt Nam trụ sở tại đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Doanh nghiệp được thành lập tháng 8/2020 với số vốn điều lệ 1.268 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: ông Hiếu chiếm 19,32%, Lê Minh Anh chiếm 60,41%, ông Phạm Sỹ Quý chiếm 5,3%, ông Vũ Thanh Bình chiếm 7,8%, bà Nguyễn Thị Hương Giang chiếm 4,65%, bà Nguyễn Thị Tuyết Nghi chiếm 2,4%.

Đáng nói đến tháng 10/2022, công ty có này giảm vốn điều lệ còn 725,7 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.

Ngày 14/11/2023, Tập đoàn MIT Việt Nam vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza tại Khu công nghiệp Phong Điền (huyện Phong Điền).

ho-so-he-sinh-thai-tam-co-cua-ong-trum-mo-da-yen-bai-vu-thanh-hieu-2-1701162897.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza tại Khu công nghiệp Phong Điền.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.186 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất dự kiến khoảng 12,72 ha. Thời hạn hoạt động của dự án kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến ngày 7/6/2066.

Dự án nhằm mục tiêu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm cristobalite và đá nhân tạo gốc thạch anh để đáp ứng nhu cầu đá tấm làm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu, với công suất dự kiến cho các loại sản phẩm như cristobalite 72.000 tấn/năm, đá nhân tạo gốc thạch anh 1.600.000 m²/năm.

Trong số các công ty khai khoáng do ông Vũ Thanh Hiếu sở hữu còn có CTCP Khai thác và Chế biến Xuất khẩu Khoáng sản Yên Bái thành lập tháng 5/2018 nhưng đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ tháng 6/2019 và Công ty TNHH MTV Golf Mỹ Gia thành lập tháng 10/2020 đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ tháng 3/2021.

"Người thừa kế" tương lai Vũ Thanh Bình

Ngoài địa bàn tỉnh Yên Bái, ông Hiếu còn mở rộng hệ sinh thái khai khoáng của mình ra một số tỉnh thành khác. Điển hình như Công ty TNHH MTV VietQuartz thành lập tháng 6/2018, trụ sở tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ tháng 12/2020, ông Hiếu là người được ủy quyền đại diện cho toàn bộ 110 tỷ đồng vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Pháp nhân non trẻ nhất trong chuỗi doanh nghiệp của ông Hiếu đó là CTCP Công nghệ cao Creanza mới thành lập ngày 27/11/2023, trụ sở tại Khu công nghiệp Phong Điền - Hàn Quốc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Người đứng tên đại diện công ty là ông Vũ Thanh Bình.

Công ty có vốn điều lệ 441 tỷ đồng gồm: CTCP Tập đoàn MIT Việt Nam chiếm 41%, Công ty Đầu tư Quản lý Vũ Gia chiếm 19%, Công ty TNHH MTV đá trắng Bảo Lai chiếm 19% và cổ đông nước ngoài là Breton S.P.A trụ sở tại Italia chiếm 21%.

Trong số các cổ đông của Công nghệ cao Creanza, đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Đá trắng Bảo Lai (viết tắt Bao Lai Marble Co.,LTD) cũng là một trong những pháp nhân hình thành sớm nhất trong hệ sinh thái của ông Vũ Thanh Hiếu - từ tháng 1/2015.

bao-lai-pham-sy-quy-vu-thanh-hieu-antt-1701176910.jpg
 

Ông Hiếu đảm nhiệm chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Đá trắng Bảo Lai từ tháng 6/2016 đến tháng 11/2018. Cũng trong thời gian này, công ty tăng vốn điều lệ từ 202,8 tỷ đồng lên mức 530 tỷ đồng.

Từ tháng 8/2023 đến nay, Đá trắng Bảo Lai liên tiếp tăng vốn điều lệ lên mức 1.702,9 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật hiện tại là ông Nguyễn Đình Duy (sinh năm 1963).

Một pháp nhân khác có tên tương tự nhưng ra đời sớm hơn đó là CTCP Đầu tư Bảo Lai (Bảo Lai Investment JSC) được thành lập năm 2010. Bảo Lai Investment JSC được biết đến là chủ đầu tư khai thác và phát triển nhiều mỏ đá tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Tính đến năm 2016, Bảo Lai Investment JSC có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, cổ đông sáng lập bao gồm: Nguyễn Đình Hợi, Nguyễn Thị Tuyết Nghi, Vũ Thanh Hiếu, Nguyễn Thu Thủy và Đào Hữu Sơn. Trong năm cổ đông, Nguyễn Đình Hợi đã thoái vốn, 4 cổ đông còn lại nắm giữ 41,33% tỷ lệ sở hữu của Bảo Lai Investment JSC.

Trong giai đoạn ông Hiếu nắm quyền điều hành từ 2016-2020, Bảo Lai Investment có những bước tăng vốn mạnh mẽ từ 300 tỷ đồng lên con số 2.202,4 tỷ đồng. Còn ông Phạm Sỹ Quý đứng tên đại diện Bảo Lai Investment từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023.

Hệ sinh thái Vũ Gia của ông Hiếu còn có pháp nhân Công ty TNHH MTV Vũ Gia Lai Châu thành lập tháng 3/2017, trụ sở tại số 018 đường Nguyễn Trãi, phường Quyết Tiến, TP Lai Châu. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu là 12 tỷ đồng đến tháng 12/2020 tăng lên mức 140 tỷ đồng. Hiện người đại diện pháp luật là ông Vũ Thanh Bình.

Có thể thấy, dù chưa đầy 30 tuổi nhưng ông Vũ Thanh Bình là "mắt xích" quan trọng khi được giao trọng trách đứng tên đại diện và sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái.

Ngoài lĩnh vực khai thác khoáng sản, hệ sinh thái Vũ Gia còn sở hữu một công ty kinh doanh phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa có tên CTCP VG Biomed. Công ty này thành lập tháng 6/2022, vốn điều lệ 52 tỷ đồng trong đó, Công ty Quản lý Vũ Gia chiếm 52%, ông Vũ Thanh Bình 21% và bà Nguyễn Mai Phương chiếm 27%. Ông Vũ Thanh Bình đang là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Hiếu cũng đứng tên một doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú ngắn ngày đó là CTCP Đầu tư Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hạ Mai (Ha Mai Eco Resort).

Resort này thành lập tháng 5/2021 trụ sở tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Công ty có vốn điều lệ 99 tỷ đồng, trong đó, ông Vũ Thanh Hiếu và Cao Viết Xứng cùng chiếm 32,5% cổ phần, ông Vũ Thanh Bình chiếm 15%, ông Phạm Sỹ Quý và bà Lỗ Thị Nhụ cùng chiếm 10%.

Hà Ly