Hệ sinh thái ‘xanh’ của doanh nhân ‘kín tiếng’ Lê Thành

Không chỉ Tân Thành Holdings, doanh nhân Lê Thành và các cộng sự còn nắm loạt doanh nghiệp với vốn điều lệ từ vài chục đến hàng ngàn tỷ đồng.

Tháng 2/2023 vừa qua, CTCP Tân Thành Holdings đã đề xuất với tỉnh Lâm Đồng về ý tưởng quy hoạch dự án khu dân cư Lâm Hà tại huyện Lâm Hà. Theo báo cáo nghiên cứu của công ty, dự án khu dân cư Lâm Hà - Dragon Hill Park có quy mô khoảng 11ha, nằm tại vị trí đắc địa kề bên trung tâm hành chính huyện.

Trước đó, trong giai đoạn 2021-2023, Tân Thành Holdings và các doanh nghiệp liên quan đã gây chú ý khi đề xuất đầu tư, ký kết, hay được chấp thuận đầu tư nhiều dự án.

Hồi tháng 3/2021, nhóm này gây chú ý khi đề xuất đầu tư 4 dự án ở tỉnh Đắk Lắk.

Đó là CTCP Đầu tư Tân Thành Holdings với dự án chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - Mô hình điểm tại Đắk Lắk quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành đề xuất dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven hồ với tầm nhìn xây dựng, phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng ven hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Knốp…

CTCP Năng Lượng Xanh Tân Thành và dự án điện mặt trời Ea Súp bao gồm 16 nhà máy, tổng công suất lắp đặt lên đến 2.600 MWP, số vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 46.000 tỷ đồng.

Cuối cùng, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành tham gia liên danh cùng Tập đoàn Thuận Việt Holdings, Tổng CTCP Công trình Giao thông 6 (CIENCO 6) đề xuất dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.

Tháng 6/2022, liên danh kể trên với thêm CTCP Xây dựng Coteccons là nhóm nhà đầu tư duy nhất đệ đơn đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I theo phương thức PPP.

Nguồn vốn dự án gồm: Vốn chủ sở hữu của các thành viên trong liên danh 40% (khoảng 5.200 tỷ đồng), nguồn vốn huy động từ ngân hàng 30% (3.000 tỷ đồng); nguồn vốn huy động bằng hình thức trái phiếu dự án từ những đối tác tiềm năng 30% (3.000 tỷ đồng) và cam kết triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ đưa vào khai thác trong năm 2025.

Với tệp dự án kể trên, trong đó có nhiều dự án quy mô lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, Tân Thành Holdings hoặc chính xác hơn là người chủ của nó hẳn phải rất giàu tham vọng.

media-cungcau-vn-tan-thanh-holdings-cua-doanh-nhan-le-thanh-lon-manh-ra-sao-134713-1678154639.jpg

Doanh nhân Lê Thành

Khủng như Tân Thành Holdings

Theo tìm hiểu, Tân Thành Holdings mới được thành lập vào tháng 9/2018, tiền thân là CTCP Green Invest Holdings. Số vốn điều lệ công ty ban đầu là 600 tỷ đồng, trong đó doanh nhân Lê Thành nắm 90% vốn. Hiện tại, ông cũng là Chủ tịch HĐQT/Người đại diện theo pháp luật Tân Thành Holdings.

Theo tìm hiểu, ông Lê Thành sinh năm 1974, nơi sinh tại Quảng Ngãi, trình độ chuyên mô là Cử nhân Luật, Chuyên viên phát triển cộng đồng. Ông từng là Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trung ương Đoàn và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam (từ năm 1998 – 2005), Giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư – Viện nghiên cứu đào tạo về quản lý (từ năm 2005 – 2010), Giám đốc Công ty Xây dựng NSG (2010 - 2015), ông cũng từng là Thành viên HĐQT và nắm đến 12,8% vốn CTCP Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCOM: CC1). 

Hiện tại, ngoài các vai trò quan trọng tại Tân Thành Holdings, vị doanh nhân này còn là Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ.

Hồi năm 2019, ông gây chú ý khi mua vào hơn 55 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group), qua đó trở thành cổ đông lớn nắm 61,74% vốn công ty. Đến tháng 1/2020, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Tân Mai Group.

Tân Mai Group hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bột giấy, giấy và bìa, nhưng cũng nổi danh trong lĩnh vực bất động sản với nhiều dự án. Có thể kể đến, Tân Mai Group liên doanh cùng CTCP Đầu tư Địa ốc Mỹ Đình thực hiện dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ chung cư và các chức năng công cộng khác – Mỹ Đình Plaza 2 tại Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Hợp tác cùng Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh và CTCP Xây dựng Công nghiệp - DESCON vào tháng 2/2015 đầu tư xây dựng khu nhà ở Cogido (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Trong đó, phía Tân Mai đã cung cấp quỹ đất và các đơn vị còn lại bỏ vốn để xây dựng dự án.

Tháng 8/2018, công ty con Tân Mai là CTCP Tân Mai Miền Đông (Tân Mai Miền Đông) ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP DRH Holdings để thực hiện dự án Khu dân cư biệt thự do Tân Mai Miền Đông làm chủ đầu tư.

Trong đó, Tân Mai Miền Đông tham gia góp 72 tỷ đồng bằng quyền sử dụng đất, còn DRH Holdings góp 168 tỷ đồng bằng tiền. Tuy nhiên, 2 bên đã thanh lý hợp đồng vào tháng 10/2018.

Ngoài ra, Tân Mai còn góp 31% vốn tại CTCP Bất động sản Tân Mai (Tân Mai Real). Hồi năm 2018, Tân Mai Real được chấp thuận là chủ đầu tư dự án Khu Trung tâm thương mại – dịch vụ - dân cư Tân Mai tại phường Thống Nhất, Đồng Nai với diện tích khoảng 10,5ha.

Bên cạnh Tân Thành Holdings, ông Lê Thành còn từng đứng tên và nắm 40% vốn tại CTCP Đầu tư Nhà Quản Lý và cũng là Tổng giám đốc, kiêm sở hữu 35% vốn ở CTCP Đầu tư Kết nối Xanh.

Ông cũng từng góp 10% vốn cho Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam – chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam (xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) có tổng vốn đầu tư lên tới 14.600 tỷ đồng. Nhưng hiện tại ông đã thoái hết vốn.

Hệ sinh thái của ông Lê Thành không dừng lại ở đó. Ông và các cộng sự còn nắm hàng loạt doanh nghiệp.

Theo dữ liệu, bà Dương Thị Bích Diệp hiện đứng tên tại các doanh nghiệp như Văn phòng đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Green Lotus, CTCP Đầu tư Green Logistics Hà Nam, Quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam, Công ty TNHH Xăng Dầu Xanh Trà Vinh.

Tìm hiểu cho thấy, quỹ Khởi nghiệp Xanh Việt Nam được thành lập vào tháng 4/2019 theo Quyết định số 338/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ với mục tiêu hỗ trợ, tài trợ cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh, nông nghiệp, nông thôn Việt nam và phát triển bền vững. 3/5 nhà tài trợ chính cho quỹ là những cái tên trong hệ sinh thái của doanh nhân Lê Thành: Tân Thành Holdings, Viện Kinh tế Xanh và CTCP Đầu tư Truyền thông Xanh.

Bà Lê Hồng Bảo Trâm là đại diện pháp luật cho hàng loạt văn phòng đại diện của CTCP Đầu tư Tân Thành Long An, CTCP Đầu tư Truyền thông Xanh, CTCP Codona Thế kỷ 21. Trong đó,  CTCP Đầu tư Truyền thông Xanh từng có liên doanh với CTCP Giải pháp Truyền hình thế hệ mới (Next Media) ký kết hợp đồng mua bản quyền Giải AFFSuzuki Cup 2018 từ đơn vị nắm bản quyền toàn cầu Lagardere Sports.

Ông Vũ Thanh Tuấn – mắt xích khác trong nhóm doanh nhân Lê Thành là cổ đông nắm 51% vốn Công ty TNHH Đầu tư Sông Hồng Miền Nam; sở hữu 60% vốn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Green Lotus và 92% vốn Công ty TNHH Victoria Light. Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư Sông Hồng Miền Nam có vốn điều lệ thời điểm tháng 9/2021 đạt hơn 5.200 tỷ đồng, ông Phan Thanh Tịnh góp 49% vốn còn lại.

Bên cạnh CTCP Đầu tư Sông Hồng Miền Nam, ông Phan Thanh Tịnh còn được biết đến là đại diện theo pháp luật cho CTCP tư vấn đầu tư thương mại An Thịnh Phát, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sông Hương Group, CTCP Năng lượng Xanh Tân Thành, Công ty TNHH Điền Sơn Xanh và CTCP Tư vấn Đầu tư Thương mại An Thịnh Phát.

Về phần mình, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền là đại diện theo pháp luật loạt doanh nghiệp như CTCP Thiên An Food, CTCP Phát triển BĐS Tân Mai, Công ty TNHH MTV Sinh học Phúc Điền, CTCP CODONA Thế Kỷ 21, CTCP Acela Foods Việt Nam…

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT