Hệ thống ngân hàng bơm hơn 1,1 triệu tỷ ra nền kinh tế từ đầu năm, riêng một Big4 cho vay thêm được 170.000 tỷ
Dư nợ tín dụng tính đến giữa tháng 6 tăng 7,14% so với đầu năm, cao gần gấp đôi tốc độ giải ngân cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu được ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN) công bố cho thấy, đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024. Mức tăng trưởng này cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.
Với dư nợ vào cuối năm 2024 ở mức 15,616 triệu đồng, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm thêm ra nền kinh tế gần 1,115 triệu tỷ đồng trong chưa đầy 6 tháng.
Số liệu được một số ngân hàng lớn công bố cũng cho thấy mức tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong nhóm 4 "ông lớn" quốc doanh. Đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đã tăng 10% so với đầu năm. Như vậy, quy mô dư nợ tín dụng của VietinBank đã tăng thêm khoảng 170.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2025.
Chủ tịch VietinBank, ông Trần Minh Bình cho biết dòng vốn của VietinBank đang bám sát định hướng của Chính phủ, tập trung hỗ trợ tín dụng cho các dự án kinh tế trọng điểm. Theo ông, thời gian qua ngân hàng đã cho vay rất nhiều dự án liên quan đến hạ tầng. Nhà băng cũng sẽ ký kết dự án trọng điểm vừa mang tính chất về kinh tế lẫn chính trị kết nối giữa các quốc gia với nhau.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, đến cuối tháng 6, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5,0% so với cuối năm 2024; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.
"Giữ vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo trong việc thực thi các chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, Vietcombank đã và đang triển khai 22 chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh việc tài trợ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, Vietcombank cũng tài trợ vốn cho các ngành phát triển bền vững, các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, quy mô chiếm xấp xỉ 33% tổng dư nợ tín dụng", ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Ghi nhận ở ngân hàng ngoại Shinhan Bank Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến trung tuần tháng 6 cũng đạt trên 6,5%.
Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16% và có thể nới thêm nếu có điều kiện. Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ ngày 30/12/2024, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD thông báo về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm.
Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025.
Với mức tăng 7,14% tính đến tháng 6, dư địa để tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể đạt từ 16% trở lên là hoàn toàn khả thi.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MBS dự báo, tín dụng sẽ tăng tốc trong quý II nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Trong đó, nhóm NHTMCP có mức tăng tốt hơn so với nhóm NHTM quốc doanh. Những ngân hàng có mức tăng tín dụng trong quý đầu năm như MSB, Eximbank, VPBank, SHB, VietinBank vẫn tiếp tục đà tăng tốt trong quý II.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do NHNN vừa thực hiện cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh tăng nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên 16,8% từ mức 16,4% của kỳ khảo sát đầu quý II.
Mạnh Đức