Hình ảnh đầu tiên tại phiên xét xử phúc thẩm vụ Việt Á sáng 15/5
Tại phiên xét xử phúc thẩm sáng 15/5, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xuất hiện với mái tóc bạc trắng và gầy hơn nhiều so với phiên sơ thẩm.
Ngày 15/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 11 bị cáo trong đại án Việt Á.
Vào lúc 7h30, hầu hết các bị cáo đã được dẫn giải tới toà. Bị cáo Nguyễn Thanh Long là người cuối cùng được dẫn giải tới tòa, tức khoảng 8h30.
Được biết, trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng và tiếp tục kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó tại phiên sơ thẩm diễn ra hồi tháng 1/2024, TAND TP.Hà Nội tuyên ông Nguyễn Thanh Long 18 năm tù vì hành vi nhận hối lộ số tiền 2,25 triệu USD từ Công ty Việt Á.
Ngoài ra các bị cáo xin xem xét giải nhẹ hình phạt như: Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á); Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN); Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương); Nguyễn Trường Giang (cựu Tổng Giám đốc Công ty VNDAT).
Cũng tại phiên sơ thẩm, Phan Quốc Việt bị tuyên phạt 29 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Trường Giang 30 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; Trịnh Thanh Hùng 14 năm tù, ông Phạm Duy Tuyến 13 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ".
Trong đó, bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh. Trước đó bị cáo này bị tuyên phạt 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Ngụy Thị Hậu (cựu Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang) kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm đánh giá lại thiệt hại do hành vi của bị cáo gây ra và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Trước đó, nữ bị cáo bị tuyên 30 tháng tù.
Trong đơn kháng cáo của mình, bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên xét nghiệm Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá động cơ, mục đích, tính chất, mức độ hành vi, hoàn cảnh, nhân thân để xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Bà Xuyên bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cũng kháng cáo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Thanh Phong (cựu Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) đề nghị cấp phúc thẩm đánh giá lại động cơ, tính chất, mức độ sai phạm, từ đó xem xét lại hình phạt đối với bị cáo. Trước đó, ông Phong bị tuyên 24 tháng tù treo về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài 12 bị cáo có đơn kháng cáo, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét việc kê biên tài sản.
Trong đó, Công ty Việt Á kháng cáo với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm không tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán test xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án này.
Ngoài ra, bà Đàm Thị Trịnh (mẹ của ông Phan Quốc Việt) và bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ ông Phan Quốc Việt) cũng có kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ kê biên, phong tỏa 54 sổ tiết kiệm với tổng trị giá hơn 400 tỷ đồng.