HNX 'điểm mặt' các doanh nghiệp chưa thanh toán tiền dịch vụ quản lý niêm yết
Trong số 5 cái tên được HNX công bố chưa thanh toán giá dịch vụ quản lý niêm yết năm 2023, có 4 doanh nghiệp đối mặt với việc bị cắt margin vào ngày 4/7/2023 tới.
Doanh nghiệp chậm trễ trong việc đóng phí quản lý niêm yết
Mới đây Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách các tổ chức niêm yết chưa thanh toán giá dịch vụ quản lý niêm yết năm 2023, tính đến ngày 2/3/2023. Có tổng cộng 5 cái tên xuất hiện trong danh sách, với số tiền phải thu dao động từ 15 triệu - 20 triệu đồng.
5 doanh nghiệp trên bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Kim Tây Nguyên (CTC), Công ty cổ phần Licogi 166 (LCS), Công ty Cổ phần Minh Hữu Liên (MHL), Công ty Cổ phần Sông Đà 4 (SD4) và Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân kỷ (TKC). Đáng chú ý, 4/5 doanh nghiệp trong số đó sẽ bị cắt margin do không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vào ngày 4/7/2023 tới (do cổ phiếu bị cảnh báo hoặc bị đưa vào diện kiểm soát).
Số tiền dịch vụ quản lý niêm yết là không hề lớn, chỉ dao động trong khoảng từ 10-20 triệu đồng, thế nhưng nhiều công ty chậm trễ trong việc hoàn thành chi trả. Những doanh nghiệp trong danh sách trên đang phải đối mặt với việc cổ phiếu đang trong diện cảnh báo, bị kiểm soát và sắp tới sẽ bị cắt margin. Việc bị hạn chế giao dịch ký quỹ là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang có vấn đề trong hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng phần nào đến khả năng chi trả các khoản chi phí của họ.
4 trên 5 doanh nghiệp bị cắt margin
Theo như công bố của HNX, 4 trên 5 doanh nghiệp nêu trên sẽ bị cắt margin do không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vào ngày 4/7/2023 tới (do cổ phiếu bị cảnh báo hoặc bị đưa vào diện kiểm soát).
Cắt margin là việc hạn chế hoặc chấm dứt hoàn toàn việc giao dịch margin (ký quỹ) đối với một cổ phiếu nào đó. Thông thường mỗi quý, các doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin và Báo cáo tài chính. Sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ rà soát và công bố danh sách cổ phiếu bị cắt margin.
Mục đích của việc cắt margin là để bảo vệ nhà đầu tư trước những mã cổ phiếu có rủi ro cao. Đồng thời là chế tài đối với doanh nghiệp niêm yết vi phạm các quy định của pháp luật.
Việc bị cắt margin khiến nhà đầu tư mất đi cơ hội sinh lời lớn từ cổ phiếu đó. Đối với những cổ phiếu bị dừng giao dịch ký quỹ do doanh nghiệp có vấn đề, nhà đầu tư thường lo ngại phải bán cổ phiếu gấp, khiến cho giá cổ phiếu sẽ bị tác động đáng kể. Không chỉ doanh nghiệp và nhà đầu tư mà các công ty chứng khoán cũng là đối tượng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi việc này khiến công ty chứng khoán mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể.
Trong số đó, được biết, Công ty cổ phần Licogi 166 đã tạm ngừng kinh doanh kể từ ngày 15/3/2023 năm nay đến hết 14/3/2024. Việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu LCS vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ra quyết định duy trì đình chỉ giao dịch từ ngày 14/3 do công ty chậm nộp nhiều báo cáo tài chính năm 2021 và 2022 so với thời gian quy định. Đây là một phần trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của công ty. Trong báo cáo gửi cổ đông hồi tháng 2, Tổng giám đốc Vũ Công Hưng cho biết, công ty không có nguồn tài chính để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh.
Tổng giám đốc công ty còn kiến nghị Đại hội đồng cổ đông cho phép công ty thực hiện thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.
Licogi 166 còn dư nợ phải trả nhà cung cấp là 82,5 tỷ đồng, trả tiền khách hàng ứng trước là 21,4 tỷ đồng, trả người lao động gần 4 tỷ đồng, trả tiền bảo hiểm xã hội 2,8 tỷ đồng, trả tiền nợ vay cá nhân 6,2 tỷ đồng, tiền thuế phải nộp là 2,1 tỷ đồng, các khoản phải trả khác là hơn 9 tỷ đồng. Bên phía công ty cho biết rằng doanh nghiệp hiện tại chưa có đủ khả năng để thanh toán.
Trước đó, hồi tháng 9/2022, BIDV chi nhánh Hà Nội phát thông báo đấu giá tài sản của Licogi 166. Lô tài sản gồm 6 máy công trình, 1 dây chuyền nghiền sàng đá và 2 ô tô. Phần lớn các thiết bị này trong tình trạng để lâu không hoạt động, có máy đã cũ, nhiều chi tiết hư hỏng phải sửa chữa mới hoạt động lại. Giá khởi điểm dự kiến cho toàn bộ tài sản trên là hơn 11 tỷ đồng.
Mã cổ phiếu LCS của Licogi 166 có khả năng bị hủy bỏ niêm yết theo quy định của pháp luật do Công ty và tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty tạm ngừng kinh doanh.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân kỷ, vào hồi tháng 9/2022, công ty này còn bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại TP. HCM do chây ỳ nợ thuế.
Quyết định cưỡng chế được ban hành theo đề nghị của Cục Thuế TPHCM. Theo đó, Địa ốc Tân Kỷ nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền trên 2,79 tỷ đồng. Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 14/9 và chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
Theo thông tin mới đây, mã cổ phiếu của công ty này đã bị đưa vào diện kiểm soát do vốn chủ sở hữu là số âm, tính trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất là quý IV/2022.