HNX: Nhiều cổ phiếu vào diện bị cảnh báo, đình chỉ, hủy niêm yết bắt buộc

HNX mới đây đã có thông báo đến nhiều doanh nghiệp để cảnh báo, đình chỉ cổ phiếu, thậm chí là hủy niêm yết bắt buộc do lợi nhuận không đạt đủ hoặc sai phạm trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật.

hnx-1679369897.jpg
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ hủy niêm yết bắt buộc 50 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt. Ảnh minh họa.

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 50 triệu cổ phiếu PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt (MCK: PVL) sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 14/4/2023 theo điểm e, Khoản 1, Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam- tổ chức chịu trách nhiệm kiểm toán, đã từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo Tài chính 2022 của Nhà Đất Việt. Nguyên nhân là vì tổ chức kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt vấn đề không thể xác minh như không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính hiện hữu của số dư tiền mặt tồn quỹ, về tính hiện hữu và đánh giá của Ban Tổng Giám đốc đối với khoản trả trước cho người bán; công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi khoản cho vay đổi với Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn Thông,… 

Tuy đã có văn bản giải trình từ phía công ty nhưng cổ phiếu PVL vẫn không thể tránh khỏi quyết định đã đưa ra về việc hủy niêm yết theo quy định. Trước đó, cổ phiếu đã được đưa vào diện bị kiểm soát từ 3/4/2017 do lợi nhuận sau thuế kiểm toán năm 2015 và 2016 đạt âm.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu, giảm mạnh gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, từ hơn 23 tỷ xuống chỉ còn gần 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp năm nay phải chịu chi phí tài chính cao gấp 3 lần năm 2021. Đấy cũng là một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận thuần của năm 2022 chỉ còn khoảng 0,3% so với năm trước, thể hiện sự lao dốc nghiêm trọng của doanh nghiệp.

Tổng tài sản của Nhà Đất Việt không có sự thay đổi quá lớn ở mức 409,6 tỷ đồng, tăng 200 triệu so với cùng kỳ,  tương tự với vốn chủ sở, có tăng so với năm trước nhưng không đáng kể, khoảng 300 triệu, đạt 253,5 tỷ đồng. 

ladophar-1679370200.jpg
CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ lũy kế đạt âm. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên

Cũng nhận được thông báo từ HNX, 12,7 triệu cổ phiếu của CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (MCK: LDP) bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ lũy kế đạt âm, ghi nhận tại Báo cáo Tài chính hợp nhất năm 2022.

Theo Báo cáo Tài chính, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chuyển âm 38,9 tỷ trong khi năm 2021 lãi gần 37,9 tỷ đồng. Doanh thu chỉ tăng khoảng 26 tỷ, đạt 188 tỷ đồng. 

Công ty đã phải đối mặt với với 2 năm lỗ nặng trước đó, lần lượt 2018 âm 20 tỷ và 2020 âm 26 tỷ đồng. Tính cả năm 2022 sẽ là 3 năm lỗ, phong độ của Ladophar lên xuống liên tục, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2022 của Ladophar chuyển âm 38,9 tỷ đồng so với mức dương 12,3 tỷ hồi đầu năm. Giá cổ phiếu ngày 21/3 tăng 2,04% so với mức giá kết phiên ngày hôm qua, kết thúc phiên ngày 20/3, cổ phiếu LDP đóng cửa ở mức 4.900 đồng/cổ phiếu.

Sau quyết định đưa cổ phiếu LDP vào diện cảnh báo, HNX cũng ngay lập tức ra thông báo cắt margin đối với cổ phiếu này với cùng lý do. Việc không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ đồng nghĩa với việc nhà đầu tư mua sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng (đòn bẩy tài chính) do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua mã chứng khoán LDP kể từ ngày 23/3/2023.

flc-1679370503.jpg
KLF là mã cổ phiếu cuối cùng "họ FLC" vị đình chỉ giao dịch. Ảnh minh họa: PLO.

Trước đó, ngày 20/3, CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (MCK: KLF) đã có văn bản giải trình cổ phiếu đình chỉ giao dịch và phương án khắc phục gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Vào ngày 14/3/2023, KLF đã chính thức bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp Báo cáo Tài chính bán niên 2022 quá thời hạn 6 tháng so với quy định. Trong văn bản giải trình, Doanh  nghiệp phải nêu rõ nguyên nhân và phải kèm theo biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch và công bố thông tin. 

Ngoài KLF, cổ phiếu cuối cùng “họ FLC” bị đình chỉ giao dịch còn có những “người anh em” FLC, HAI, ART, GAB bị hủy niêm yết. Các mã đều mắc chung một vấn đề, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, KLF thu về 10 tỷ đồng, giảm 93,5% so với cùng kỳ và khiến công ty lỗ 75 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022 KLF thu 458 tỷ đồng và lỗ sau thuế 90 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT