Hoa Kỳ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Đây là một nội dung quan trọng được Đại sứ Marc E. Knapper trao đổi với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong buổi tiếp mới đây.

photo-1706718054520

Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn.

Tại buổi tiếp chiều 31/1, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao đổi một số nội dung liên quan đến việc triển khai thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đây là vấn đề lãnh đạo cấp cao hai nước rất quan tâm, đề nghị Đại sứ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế này, hy vọng quá trình này sẽ được hoàn thành sớm nhất trong năm 2024. Về phía Việt Nam, các cơ quan hữu quan sẽ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu để phía Hoa Kỳ sớm xem xét.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cũng trao đổi về nội dung liên quan đến kiểm soát thương mại chiến lược, công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác, đặc biệt trong tình hình mới là hai nước có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Bày tỏ cảm kích khi được Phó Thủ tướng dành thời gian đón tiếp, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cho biết, năm 2023 là năm trọng đại nhất trong quan hệ song phương hai nước với nhiều chuyến thăm cấp cao mà nổi bật nhất là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam. Trong chuyến thăm này, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ông cũng khẳng định Hoa Kỳ luôn sẵn sàng và rất mong muốn hợp tác với Việt Nam.

Về vấn đề công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang xem xét chi tiết, khẩn trương, hy vọng có thể kịp vào tháng 6/2024.

Được công nhận nền kinh tế thị trường có ý nghĩa ra sao?

Theo Bộ Công Thương, có 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới nhất, Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam.

Nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác. Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động. Một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.

Nếu nước xuất khẩu hàng hóa không được coi là một nền kinh tế thị trường, thay vì sử dụng các thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá, nước nhập khẩu sẽ sử dụng các thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba thay thế được coi là có nền kinh tế thị trường. Hậu quả là biên độ phá giá thường được xác định cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cũng cao hơn nhiều so với các nước được coi là nền kinh tế thị trường. 

Trong một số trường hợp, mức thuế phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp đến từ các nước không được coi là nền kinh tế thị trường có thể lên đến trên 100%.

Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thục Trinh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT