Hơn 123 tỷ USD hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trong 4 tháng 2024, địa phương nào đóng góp nhiều nhất?
Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2024 có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, 4 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 108,27 tỷ USD, chiếm 87,5%.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu) và chiếm trên 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024.
Xét theo từng địa phương, căn cứ vào số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, trong 4 tháng đầu năm 2024, có 21 tỉnh, thành phố ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 địa phương ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 10 tỷ USD.
Theo đó, TPHCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,7 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu tính riêng tháng 4/2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 3,7 tỷ USD.
Sau TPHCM, Bắc Ninh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 cả nước, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,21 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2024, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo sau là Thái Nguyên, Bình Dương và Hải Phòng, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 10,96 tỷ USD; 10,7 tỷ USD và 9,5 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa bốn tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 41,6 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 29,6 tỷ USD tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 209 triệu USD, giảm 41,8%; nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, tăng 41,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,7 tỷ USD, tăng 2,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,6 tỷ USD, tăng 47,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, tuy nhiên chịu ảnh hưởng không nhỏ khi thương mại toàn cầu chậm lại,thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng mới bởi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ, EU, Nhật Bản… xuống thấp, nên phải sản xuất cầm chừng, tìm cách giữ chân người lao động, chờ khi thị trường ấm lên.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường xuất khẩu; trong đó, có những thành tích lớn về công tác đàm phán, mở cửa thị trường. Để tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường này, vấn đề cần chú trọng là phát triển được nguồn hàng cho xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và bảo đảm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để được hưởng nhiều lợi ích từ thuế suất thấp, từ cơ chế hỗ trợ giữa các thành viên ký kết FTA, thông qua việc gỡ bỏ rào cản phi thuế quan; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa …