Hơn 22.000 cơ sở kinh doanh bị xử lý thuế, thu tăng thêm 2.900 tỷ đồng

Kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313). Tổng số trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng.

Chiều 1/6, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã nêu quan điểm về việc thu thuế đối với các buổi bán hàng trực tiếp trên mạng.

Theo Bộ Tài chính, khi thực hiện livestream bán hàng trên mạng, tức là hoạt động này đã phát sinh doanh thu, có thể phát sinh thu nhập. Khi đã phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu sự điều chỉnh của các luật thuế, sắc thuế cũng như chịu sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.

hon-22000-co-so-kinh-doanh-bi-xu-ly-thue-thu-tang-them-2900-ty-dong-antt-1717292854.jpg
Hơn 31.500 tổ chức, cá nhân livestream bán hàng vào ‘tầm ngắm’ của ngành Thuế. Ảnh minh hoạ.

Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay livestream bán hàng trên mạng, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý và giám sát theo hai sắc thuế.

Thứ nhất, nếu là cá nhân thực hiện hoạt động bán hàng có phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu thuế với thu nhập của bản thân, điều chỉnh theo Luật thuế thu nhập cá nhân.

Nếu là hộ kinh doanh có hoạt động thương mại điện tử hay livestream có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng) thì quản lý và thu thuế theo quy định liên quan đến quản lý hộ kinh doanh (theo hình thức khoán hoặc kê khai về thuế).

Ngoài ra, Thứ trưởng khẳng định, đây không phải hoạt động kinh doanh mới. Nhưng gần đây có sự phát triển nên cơ quan thuế đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới người dân để hiểu rõ quy định về thuế. Từ đó, tự giác, tự tiến hành kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra với hoạt động kinh doanh này.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), hiện tại, Việt Nam có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 3 triệu hộ kinh doanh; trong đó có khoảng 1,9 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế và 27 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (khoảng 7 triệu cá nhân có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân).

Bộ Tài chính cho biết, cụ thể, số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.Ngoài ra, kết quả thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế trong 3 năm (2021, 2022 và 2023), tổng số các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử đưa vào diện rà soát là 31.570 (doanh nghiệp là 6.257, cá nhân là 25.313).

Tổng số trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh (doanh nghiệp là 543, cá nhân là 21.616) với số thuế tăng thêm là 2.900 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT