Hơn 400 triệu cổ phiếu tuột khỏi tay sau 1 năm rưỡi 'bão tố', nhóm của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn không còn chi phối Novaland

Sau nhiều lần thoái vốn, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn hiện chỉ còn nắm khoảng 40% cổ phần tại Novaland.

CTCP Diamond Properties, cổ đông lớn thứ hai của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL), vừa báo cáo hoàn tất bán ra 4 triệu cổ phiếu NVL. Giao dịch được thực hiện trên kênh khớp lệnh trong phiên 18/3/2024. Tạm chiếu theo thị giá đóng cửa phiên diễn ra giao dịch của cổ phiếu NVL là 16.700 đồng/cp, ước tính tổ chức trên đã thu về khoảng 67 tỷ đồng.

Sau giao dịch, Diamond Properties hạ sở hữu tại Novaland xuống còn gần 171,4 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,79% vốn).

Trước đó, một cổ đông lớn khác cũng liên quan đến Chủ tịch Bùi Thành Nhơn là Novagroup cũng vừa bán ra 4,4 triệu cổ phiếu NVL trong phiên 4/3. Sau giao dịch, lượng nắm giữ của Novagroup tại NVL giảm còn 362,9 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 18,6%.

Từ tháng 6/2022 đến nay, vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt cơn bán tháo cùng năm khiến tỷ lệ sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn và người liên quan tại Novaland liên tục giảm.

Sau nhiều lần thoái vốn, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn hiện chỉ còn nắm khoảng 40% cổ phần tại Novaland. So với cách đây một năm, tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình Chủ tịch NVL đã giảm khoảng 12% cổ phần. Còn so với thời điểm tháng 6/2022, con số sụt giảm hơn 20% cổ phần.

Hơn 400 triệu cổ phiếu tuột khỏi tay sau 1 năm rưỡi 'bão tố', nhóm của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn không còn chi phối Novaland- Ảnh 1.

Về Novaland, từng là Tập đoàn đa ngành đang trên đà phát triển mạnh. Song, "vỡ trận" trái phiếu cuối năm 2022 đưa Novaland vào con đường xoay vần với liên tiếp sóng gió. Đến ngày 3/2/2023, giữa "cơn bĩ cực", ông Bùi Thành Nhơn (SN 1958) chính thức quay trở lại giữ chức Chủ tịch HĐQT để trực tiếp chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió.

Sau 1 năm, Novaland đã lần lượt tháo gỡ được nhiều khó khăn: Các dự án trọng điểm đạt tín hiệu mới về pháp lý, tiến độ triển khai; thương thảo tái cấu trúc nợ cũng như gia hạn nợ được với các chủ nợ…

Tại thời điểm 31/12/2023, nợ vay tài chính của Novaland đạt 241.376 tỷ đồng, giảm 16.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản mục giảm mạnh nhất là khoản phải thu dài hạn, từ 44.081 tỷ đồng còn 33.857 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp giảm 5.200 tỷ đồng.

Nợ vay tài chính của Novaland ở mức 57.704 tỷ đồng, giảm gần 7.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 38.262 tỷ đồng, giảm 5.900 tỷ đồng. Dư nợ ngân hàng là 9.400 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, NVL ghi nhận gần 4.760 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận ròng đạt 805 tỷ đồng, lần lượt giảm 57% và 63% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này đã lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, song nhờ ghi nhận nguồn thu tài chính từ bán công ty con giúp Novaland ghi nhận lãi hơn 1.600 tỷ trong quý 4/2023.

Dù vậy, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn. Thống kê của Shinhan Securities trong báo cáo phân tích mới đây, có đến 8 DN bất động sản niêm yết còn hơn 1.000 tỷ dư nợ trái phiếu. Đặc biệt, Novaland chiếm hơn 20.000 tỷ đồng, con số đáo hạn trong năm 2024 là 9.402 tỷ đồng.

Trong khi dư nợ khổng lồ, tiền và tương đương tiền của Công ty tính đến 31/12/2023 chỉ còn 3.412 tỷ đồng. Công ty được biết đang có hơn 40.000 tỷ gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tuy nhiên số tiền này của Novaland đang bị quản lý bởi các ngân hàng cho vay.

Tri Túc

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT