Hơn 4.000m2 đất vàng nhà nước số 4 Trần Hưng Đạo về tay Công ty Sông Hồng như thế nào?
Bằng hợp đồng trao đổi tài sản giữa Công ty Cơ điện Công trình và Công ty Sông Hồng, 4.382,84m2 đất vàng nguồn gốc nhà nước số 4 Trần Hưng Đạo đã về tay tư nhân một cách dễ dàng.
CTCP Cơ điện Công trình tiền thân là Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình (doanh nghiệp Nhà nước, viết tắt MESC) được giao sở hữu, quản lý 3 khu đất gồm: Cơ sở nhà đất số 4 Trần Hưng Đạo (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Cơ sở nhà đất tại phố Sài Đồng (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội); Cơ sở nhà đất tại xã Tả Thanh Oai (Tam hiệp, Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Khu đất số 4 Trần Hưng Đạo trước đây thuộc quyền sử dụng, quản lý của Nhà máy Nước Đồn Thủy, với tổng diện tích hơn 8.000m2. Năm 1985, Sở Giao thông - Công chính Hà Nội có quyết định chuyển giao cho Công ty Cơ điện Công trình 4.382,84m2 với chức năng Trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh. Năm 1998, MESC có công văn đề nghị UBND TP.Hà Nội chuyển đổi MESC thành công ty cổ phần và được chấp thuận.
Theo ý kiến của lãnh đạo Cơ điện Công trình, khu đất số 4 Trần Hưng Đạo được chuyển đổi sang công ty cổ phần. Tháng 9/1999, UBND TP.Hà Nội có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa bộ phận số 4 Trần Hưng Đạo thành CTCP Sông Hồng với vốn điều lệ là 6,744 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cổ phần của MESC là 35%, tương đương 2,36 tỷ đồng.
Tháng 8/2000, UBND TP.Hà Nội ra quyết định Sông Hồng chuyển lại cho MESC tòa nhà 4 tầng làm trụ sở làm việc có trị giá 1,5 tỷ đồng cùng một xe ô tô 9 chỗ và 75 triệu đồng tiền mặt. Tổng giá trị chuyển giao là 1,6 tỷ đồng. Sau khi chuyển giao, tỷ lệ cổ phần của MESC (vốn nhà nước) ở Công ty Cổ phần Sông Hồng chỉ còn 758,6 triệu đồng, tương đương 14,75%.
Ngày 27/8/2003, ban lãnh đạo MESC đã thanh lý hợp đồng thuê 4.382m2 đất giữa MESC với Sở Địa chính nhà đất Hà Nội và ký hợp đồng thuê đất mới. Theo đó, MESC chỉ còn sở hữu 281m2, số diện tích còn lại 4.086m2 được chuyển cho Công ty Cổ phần Sông Hồng.
Cùng ngày 19/4/2004, UBND TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Sông Hồng và MESC, được sử dụng làm trụ sở và cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu, cho thuê nhà, dịch vụ vui chơi giải trí. Cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đều có thời hạn sử dụng: 30 năm, kể từ ngày 21/8/2000 đến ngày 21/8/2030.
Một điểm đáng chú ý, phần diện tích mà MESC sở hữu chỉ đúng bằng diện tích xây dựng trụ sở làm việc là 281m2, không có diện tích sân, đường dùng cho để xe và diện tích giao thông nội bộ. Bởi vậy sau đó, MESC đã kiến nghị xử lý tồn tại về đất đai, tài chính giữa công ty và CTCP Sông Hồng.
Ngày 20/5/2008, Thanh tra TP.Hà Nội đã có văn bản số 610/KL-TTTP đề nghị UBND TP.Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2351/QĐ-UB và 2352/QĐ-UB của hai công ty trên. Đồng thời đình chỉ hiệu lực hợp đồng thêu đất năm 2003 của cả hai công ty.
Dù vậy, cho đến năm 2014 vụ việc trên vẫn không được xử lý dứt điểm, MESC không có lối đi ra phố Trần Hưng Đạo, không được CTCP Sông Hồng trả cổ tức.
Đến năm 2015, Cơ điện Công trình (Bên A) và CTCP Sông Hồng (Bên B) đã ký biên bản thoả thuận và Hợp đồng trao đổi tài sảnsố 06/2015/HĐKT.
Theo đó, tài sản thuộc sở hữu của Bên A - là bất động sản tại địa chỉ số 4 Trần Hưng Đạo, diện tích đất là 281m2. Chủ sở hữu là UBND TP Hà Nội, diện tích nhà 1.121m2.
Tài sản trao đổi thuộc sở hữu bên B - là toàn bộ sàn văn phòng tầng 8, tòa tháp A, toà nhà trên đường Láng Hạ; diện tích đã hoàn thiện theo biên ban đo đạc xác định diện tích giữa Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và Công ty TNHH Hanotex ký ngày 14/9/2009 là 1.029,32m2.
Hai bên cam kết sẽ chuyển đổi cho nhau theo đúng diện tích, đúng hiện trạng, đúng thời gian và đầy đủ hồ sơ pháp lý có liên quan đến nhà và đất.
Tháng 6/2015, UBND TP.Hà Nội chấp thuận đề nghị của Sở Tài chính tại công văn số 2241/STC-TCDN cho phép MESC hoán đổi nhà văn phòng công ty với diện tích là 1.124m2 trên diện tích 281m2 đất thuê trả tiền hàng năm tại số 4 phố Trần Hưng Đạo cho CTCP Sông Hồng với giá trị hoán đổi là 42,688 tỷ đồng.
Lúc này, toàn bộ 4.382m2 đất vàng số 4 Trần Hưng Đạo đã về tay CTCP Sông Hồng. Tháng 11/2015, công ty này có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phan Chu Trinh xin phá dỡ công trình tại số 4 Trần Hưng Đạo và xúc tiến triển khai một dự án chung cư cao cấp.
Nói về CTCP Sông Hồng, công ty được thành lập từ tháng 11/1999. Đến tháng 7/2017, Sông Hồng tăng vốn điều lệ từ 5,1 tỷ đồng lên 36,5 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT lúc này của công ty là ông Lê Đức Đông (SN 1987).
Sau đó Sông Hồng có thêm hai đợt tăng vốn điều lệ lên mức 280 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của công ty cũng được chuyển giao sang bà Đỗ Thị Tươi (SN 1985), còn Tổng Giám đốc hiện nay là ông Nguyễn Mạnh Cường (SN 1974).
Tháng 4 vừa qua, CTCP Sông Hồng đã mang lợi tức thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị của quyền sử dụng đất tại số 4 Trần Hưng Đạo để thế chấp tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – MaritimeBank.
Tập đoàn nào là chủ sở hữu đứng sau của khu đất số 4 Trần Hưng Đạo sẽ được An ninh tiền tệ tiếp tục thông tin trong những bài viết tiếp theo.