Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hơn 88.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ

Phạm Thị Tâm

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99 của Chính Phủ gửi Quốc hội, có gần 1,2 triệu cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, trong đó có hơn 88.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

hon-88000-co-so-co-nguy-hiem-ve-chay-no-antt-1697188399.PNG
Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong ngách 29/70, phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy năm 2023.

Thống kê cho thấy, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) hơn 1,1 triệu cơ sở; tổng số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ hơn 88.000 cơ sở...

Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Số lượng nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang cho thuê nhà trọ, kết hợp sản xuất, kinh doanh, chia nhỏ căn hộ để bán đang là một vấn đề hết sức bất cập, sinh ra những loại hình cơ sở “biến tướng”, gây nguy cơ mất an toàn cháy, nổ, khó khăn trong công tác quản lý về PCCC.

Về tình hình cháy, từ tháng 1/10/2022 đến 30/9/2023, toàn quốc xảy ra hơn 1.900 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 315 tỷ đồng và 306ha rừng. Trong đó, đã xảy ra 93 vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (chiếm 4,8% số vụ cháy toàn quốc), làm chết 144 người, bị thương 67 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 280 tỷ đồng.

Toàn quốc cũng xảy ra 14 vụ nổ, làm 5 người chết, bị thương 31 người.

Chính phủ đánh giá năm 2023 tình hình cháy, nổ mặc dù đã được kiềm giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân là vì một số quy định của pháp luật về PCCC chưa thực sự đáp ứng được với sự thay đổi, phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, địa phương, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đối với công tác PCCC còn hạn chế, đồng thời cũng thiếu cơ chế để xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý với hoạt động xây dựng, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao.

Bên cạnh đó, các loại hình biến tướng chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, gây nguy cơ mất an toàn rất cao,...

Trước tình hình trên, Chính phủ đề nghị Quốc hội chỉ đạo hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác PCCC, tăng cường giám sát công tác này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Ư tiên bố trí nguồn vốn cho dự án đầu tư trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ khi xem xét, quyết định việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Bạch Hiền (t/h)