Hơn nửa thanh niên Seoul không thể trang trải nhu cầu cơ bản, đành 'ăn bám' bố mẹ
Kết luận được đưa ra dựa trên một nghiên cứu với hơn 5.000 người trưởng thành tại Seoul.
Nghiên cứu với hơn 5.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 35 được chính quyền thành phố Seoul và Viện Seoul công bố cho thấy, rất nhiều thanh niên sinh sống tại đây đang phải đối mặt với điều kiện tài chính eo hẹp, quá bí bách nên phải nhờ cậy gia đình.
Cụ thể, hơn 55% thanh niên không đủ khả năng trang trải những nhu cầu cơ bản trong 3 tháng. Tỷ lệ nghèo đối với thanh niên sống một mình là gần 63%, cao hơn 7,1 điểm phần trăm so với tỷ lệ nghèo của toàn bộ người trẻ ở Seoul. Số người thừa nhận không đủ chi phí sinh hoạt chiếm 28%.
Khi được hỏi về cách giải quyết, hơn 41% cho biết họ sẽ nhờ cậy sự giúp đỡ từ phía bố mẹ. 18% rút tiền tiết kiệm hoặc tiền gửi ngân hàng để chi trả sinh hoạt phí, trong khi 11% tìm đến tổ chức hỗ trợ tài chính. Đáng nói, hơn 10% người tham gia nghiên cứu cho biết họ cảm thấy vô cùng bế tắc và chưa tìm ra hướng giải quyết.
Theo nghiên cứu, độ tuổi trung bình để 1 người trẻ có thể độc lập tài chính tại thành phố Seoul là hơn 30. Trong số 87% người được hỏi còn độc thân, 19% cho biết họ sẽ không kết hôn vì điều kiện kinh tế eo hẹp.
Theo Giáo sư Shin Kyung-a của Đại học Hanlim, Hàn Quốc, cám cảnh người trẻ không đủ điều kiện tài chính là do thất nghiệp liên tục. Tính toán của Tổng cục thống kê Hàn Quốc cho thấy, đến năm 2023, hơn 45% thanh niên từ 15 đến 29 tuổi thất nghiệp hơn 1 năm.
Trước đó, một cuộc khảo sát với gần 2.500 sinh viên năm cuối của Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc hồi cuối năm 2022 cũng cho thấy 65,8% người được hỏi gần như đã từ bỏ công cuộc tìm việc vì quá bế tắc.
Lý do phổ biến nhất là người trẻ không tìm được những công việc mang lại thu nhập cao; điều kiện, môi trường làm việc cũng không ưng ý. Chẳng hạn, một số ngành thiếu nhân lực trầm trọng của Hàn Quốc như nông nghiệp lại yêu cầu nhân viên phải làm việc ngoài trời hoặc trong những điều kiện môi trường kém vệ sinh.
“Số lượng thanh niên NEET - thuật ngữ chỉ những người thất nghiệp, không đi học hay nghề nghiệp sẽ tăng lên. Cần có thêm sự hỗ trợ của chính phủ để giúp đỡ và khuyến khích các thanh niên NEET quay lại thị trường lao động”, giáo sư Shin nói.
Giáo sư Lee Bong-ju của khoa phúc lợi xã hội, Đại học Quốc gia Seoul cũng cùng chung quan điểm. Ông nhấn mạnh thêm rằng nếu tình trạng trên còn tiếp diễn, số lượng thanh niên không hài lòng với cuộc sống dẫn đến trầm cảm sẽ ngày càng gia tăng.
Được biết, người Hàn Quốc vốn tin rằng học tập là con đường duy nhất để có một công việc ổn định, lương cao. Các công ty cũng thường dựa vào bằng cấp để đánh giá năng lực ứng viên và vì vậy, ngày càng nhiều người trẻ sở hữu tấm bằng đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ cạnh tranh quá lớn khiến nhiều người lâm vào tình cảm không xin được việc, thất nghiệp rồi trầm cảm.
Theo tờ Korea JoongAng Daily, nhiều công ty còn có xu hướng tuyển dụng người có kinh nghiệm thay vì tuyển dụng mới. Cơ hội việc làm eo hẹp khiến sinh viên mới ra trường ngày càng mất niềm tin, hy vọng.
Theo: Korea Herald