Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị mất hiệu lực trong những trường hợp nào?
Khi bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực sẽ gây ảnh hưởng đến việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực trong những trường hợp nào?
Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm cần đóng những khoản phí bảo hiểm đầy đủ và đều đặn hàng kỳ cho công ty bảo hiểm.
Nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm khi đến hạn, công ty sẽ áp dụng thời gian gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày kể từ ngày đến hạn đóng phí giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị và hoàn thiện phí. Trong thời gian gia hạn đóng phí, hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực, tức là người tham gia vẫn nhận được quyền lợi bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian này.
Tuy nhiên những khoản phí vẫn không được đóng khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí sẽ xảy ra một trong hai trường hợp:
Thứ nhất, hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại (thông thường là dưới 2 năm hợp đồng) thì hợp đồng bảo hiểm sẽ mất hiệu lực do công ty bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng (theo Luật kinh doanh bảo hiểm).
Thứ hai, khi hợp đồng có giá trị tài khoản hợp đồng bao gồm bảo tức tích lũy (nếu có), lãi tích lũy (nếu có), quyền lợi tiền mặt tích lũy (nếu có) và trừ đi khoản nợ nếu có thì sẽ được công ty bảo hiểm sẽ tự động khấu trừ phí bảo hiểm hàng kỳ từ giá trị tài khoản hợp đồng. Nếu giá trị tài khoản hợp đồng nhỏ hơn phí bảo hiểm của kỳ đóng phí hiện tại thì hợp đồng bảo hiểm tự động chuyển sang kỳ đóng phí ngắn hơn (theo tháng) để tiếp tục đóng phí. Cho đến khi giá trị tài khoản hợp đồng còn lại trừ đi khoản nợ nếu có mà không đủ đóng phí kỳ hiện tại thì hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực kể từ khi kết thúc thời gian gia hạn đóng phí.
Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm còn hết hiệu lực do tạm ứng từ giá trị tài khoản hợp đồng và nợ lãi lớn hơn giá trị tiền mặt, giá trị tài khoản hợp đồng.
Cụ thể, trong quá trình tham gia bảo hiểm, khi hợp đồng bảo hiểm có giá trị tài khoản hợp đồng/giá trị tiền mặt thì bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu tạm ứng tối đa 80% giá trị tài khoản hợp đồng/giá trị tiền mặt sau khi trừ đi các khoản nợ nếu có. Đồng thời bên mua bảo hiểm phải thanh toán lãi cho khoản tạm ứng theo mức lãi suất tại từng thời điểm mà công ty công bố.
Bên mua bảo hiểm có thể thanh toán khoản tạm ứng và lãi tương ứng vào bất cứ thời điểm nào với điều kiện đã thanh toán mức tối thiểu mà công ty quy định. Trong quá trình tạm ứng mà khách hàng xảy ra rủi ro vẫn được chi trả quyền lợi bảo hiểm bình thường nhưng trước khi chi trả sẽ trừ đi các khoản tạm ứng và lãi.
Khi tổng khoản tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị tiền mặt/giá trị tài khoản hợp đồng thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị mất hiệu lực.
Trong thời gian hợp đồng mất hiệu lực, không có bất kỳ khoản phí nào phát sinh cũng như không có bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào được chi trả.
Thời gian và điều kiện để khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm
Tuỳ theo quy định của mỗi công ty, nhưng thông thường khách hàng có thể đề nghị khôi phục hiệu lực hợp đồng bằng văn bản theo mẫu của công ty trong vòng 24 tháng kể từ ngày hợp đồng tạm thời mất hiệu lực và nộp lại các khoản phí bảo hiểm và lãi chậm đóng.
Việc khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm được quy định tại bản quy tắc và điều khoản của hợp đồng.
Khôi phục hiệu lực hợp đồng cho phép bên mua bảo hiểm tiếp tục hợp đồng sau khi bị mất hiệu lực nếu bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm đáp ứng các điều kiện về khôi phục hiệu lực hợp đồng và yêu cầu khôi phục được công ty chấp thuận bằng văn bản.
Nếu được chấp thuận, thời điểm Hợp đồng bảo hiểm được khôi phục hiệu lực sẽ được tính từ ngày ghi trên văn bản chấp thuận của công ty bảo hiểm.
Nếu hợp đồng mất hiệu lực và không được khôi phục trong vòng 2 năm (24 tháng) kể từ ngày hợp đồng mất hiệu lực thì hợp đồng sẽ bị chấm dứt hoàn toàn.
Nguyễn Minh (T/h)