Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dày gần 100 trang: Đừng vì quá dài mà bỏ qua 4 điểm đặc biệt quan trọng này
Trong những năm gần đây, bảo hiểm nhân thọ được xem là giải pháp tài chính dài hạn giúp gia đình vững vàng trước rủi ro và tích lũy tài sản. Thế nhưng, không ít người rơi vào cảnh "bỏ thì thương, vương thì thiệt" chỉ vì ngại đọc kỹ hợp đồng dài gần 100 trang, dẫn đến hiểu sai hoặc không nắm rõ quyền lợi, trách nhiệm và các giới hạn quan trọng.
Đặc biệt, có 4 nhóm điều khoản nếu không nắm kỹ, người tham gia dễ gặp rủi ro nhất khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.
1. Điều khoản loại trừ: Mua bảo hiểm nhưng vẫn bị từ chối chi trả?
Nhiều người cho rằng cứ mua bảo hiểm là khi ốm đau, tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chi trả. Nhưng thực tế, mỗi quyền lợi trong hợp đồng đều kèm theo "điều khoản loại trừ" – tức các tình huống không được bảo hiểm. Đây là một trong những nội dung ít người để ý nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi nhận tiền bảo hiểm.
Cụ thể:
- Với bệnh hiểm nghèo, những bệnh lý có sẵn trước khi ký hợp đồng, bệnh giai đoạn sớm hoặc không đủ tiêu chuẩn y khoa thường bị loại trừ.
- Với tai nạn, nếu rủi ro xảy ra trong tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy, tham gia đua xe hoặc leo núi… thì có thể bị từ chối chi trả.
- Với thẻ sức khỏe, các dịch vụ như điều trị vô sinh, bệnh lây qua đường tình dục, thẩm mỹ,… đều không được thanh toán.
Người tham gia cần yêu cầu tư vấn viên cung cấp tài liệu chi tiết về điều khoản loại trừ, thay vì chỉ nghe mô tả miệng hoặc nhìn bảng quyền lợi tóm tắt.
2. Thời gian chờ: "Gặp bệnh ngay sau khi ký" vẫn có thể không được thanh toán
Trong bảo hiểm, "thời gian chờ" là khoảng thời gian kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến khi quyền lợi bắt đầu có hiệu lực. Nếu sự kiện xảy ra trong giai đoạn này, bạn sẽ không được chi trả dù hợp đồng đã có hiệu lực.
Thông thường:
- Quyền lợi bệnh hiểm nghèo có thời gian chờ từ 90 – 120 ngày.
- Thẻ sức khỏe (chi trả viện phí) thường có thời gian chờ 30 – 60 ngày.
- Một số trường hợp như bệnh đặc biệt hoặc sinh con (với hợp đồng có quyền lợi thai sản) có thể chờ đến 270 ngày.
- Một số bệnh từng mắc trước khi ký hợp đồng có thời gian chờ tới 1 năm,
Trên thực tế, nhiều người ký bảo hiểm rồi không may phải nhập viện sau 1–2 tuần và "vỡ mộng" vì không được chi trả, do chưa hết thời gian chờ. Đây là quy định được nêu rõ trong hợp đồng, nhưng dễ bị bỏ qua nếu không đọc kỹ.
3. Linh hoạt đóng phí: Linh hoạt không có nghĩa là muốn làm gì cũng được
Không ít người mua bảo hiểm vì được tư vấn "đóng linh hoạt", "rút tiền bất kỳ lúc nào", "khi khó khăn có thể tạm dừng"… Tuy nhiên, sự linh hoạt này có giới hạn và cần hiểu kỹ để không mất tiền oan.
Một số điểm quan trọng:
- Hợp đồng thường chỉ được điều chỉnh (giảm mệnh giá, giảm phí) từ năm thứ 3 hoặc 5 trở đi. Trước đó, việc rút tiền hoặc huỷ hợp đồng sẽ mất phí rất lớn.
- Phí rút hợp đồng trước hạn trong 5 năm đầu có thể lên tới 80–100% số tiền đã nộp. Sau năm thứ 10 trở đi, phí này mới về mức thấp hoặc bằng 0.
- Trong trường hợp khó khăn tài chính, khách hàng có thể tạm dừng đóng phí nếu hợp đồng đã tích lũy đủ giá trị hoàn lại. Hoặc có thể vay tạm ứng từ hợp đồng, nhưng sẽ bị tính lãi suất.
Vì vậy, cần xác định đây là kế hoạch dài hạn và cam kết bền vững ít nhất 10–15 năm để tránh thiệt hại.
4. Đừng nhầm giữa thời gian đóng phí và thời gian bảo vệ
Một trong những điểm dễ gây nhầm lẫn nhất là thời gian đóng phí và thời gian được bảo hiểm không trùng nhau.
Ví dụ: Bạn ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 99 năm, nhưng chỉ cần đóng phí trong 15 năm. Sau đó, nếu không rút tiền và hợp đồng vẫn còn giá trị, bạn sẽ tiếp tục được bảo hiểm đến hết thời hạn hợp đồng mà không cần đóng thêm.
Tuy nhiên, nếu bạn rút tiền sớm, hoặc hợp đồng không còn đủ giá trị để duy trì, thì có thể mất hiệu lực giữa chừng. Khi đó, dù đã đóng đủ phí, bạn cũng không còn được bảo vệ.
Vì thế, cần theo dõi giá trị tài khoản và phí rủi ro hằng năm để đảm bảo hợp đồng vẫn duy trì hiệu lực bảo hiểm.
Bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm tài chính dài hạn, giúp bảo vệ cả gia đình khỏi những biến cố bất ngờ. Nhưng để "bảo hiểm là bạn đồng hành" thay vì "cái bẫy chi phí", người tham gia cần:
- Đọc kỹ hợp đồng, đặc biệt là điều khoản loại trừ, thời gian chờ và quyền điều chỉnh.
- Tư vấn kỹ càng về kế hoạch tài chính cá nhân, đừng để bị cuốn theo lời mời gọi "cam kết lợi nhuận", "rút linh hoạt".
- Theo dõi giá trị hợp đồng hằng năm, đảm bảo vẫn còn hiệu lực bảo vệ trong suốt thời hạn đã cam kết.
Một hợp đồng 100 trang có thể không dễ đọc, nhưng bỏ qua những điều khoản quan trọng thì có thể phải trả giá bằng chính quyền lợi của mình.
Mai Anh