Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Huawei muốn lấy lại hào quang tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ chuyển đổi số

CafeLand

Huawei cho biết họ cũng đang để mắt đến các cơ hội trong trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số để tìm lại chỗ đứng ở APAC.

Trong bối cảnh nền kinh tế số của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đang phát triển thịnh vượng, các quốc gia và khu vực đang tích cực khám phá trí thông minh nhân tạo để thúc đẩy phát triển kỹ thuật số. Tập đoàn Huawei của Trung Quốc mới đây cho biết họ cũng đang để mắt đến các cơ hội trong trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số để tìm lại chỗ đứng ở APAC.

Phát biểu tại một sự kiện do Quỹ ASEAN và Huawei phối hợp tổ chức ở Bangkok vào ngày 29/4, bà Mạnh Vãn Chu – con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc tài chính của Huawei cho biết các mô hình nền tảng AI được đào tạo dựa trên dữ liệu toàn cầu nhưng có khoảng cách lớn giữa các nước và khu vực khác nhau khi nói đến khả năng tiếp cận và ứng dụng. "Những khoảng trống này sẽ không tự khép lại. Chúng ta cần phải làm việc cùng nhau để bắc cầu", bà nhấn mạnh.

Ngoài ra, Giám đốc tài chính Huawei chia sẻ Huawei sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực 5G, điện toán đám mây và năng lượng kỹ thuật số để giảm mức tiêu thụ năng lượng, cũng như tham gia vào các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số và AI trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại sự kiện Bangkok, bà Mạnh nhấn mạnh: "APAC không chỉ là một trong những khu vực sôi động nhất thế giới, mà còn là hình mẫu về nỗ lực chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số cho các khu vực khác. Huawei rất vinh dự được tham gia hỗ trợ, làm việc cùng các khách hàng và đối tác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số khắp khu vực".

Huawei muốn lấy lại hào quang tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ chuyển đổi số - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu.

Bà Mạnh Vãn Chu cũng cho biết: "Huawei rất chú trọng vào việc nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo thông qua việc đầu tư hơn 138 tỷ USD vào R&D trong suốt thập kỷ qua. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng, đồng thời hợp tác cởi mở với các đối tác nhằm cung cấp các dịch vụ 5.5G, Cloud, Digital Power và nhiều công nghệ khác. Chúng tôi muốn góp phần mang lại lợi ích của công nghệ kỹ thuật số thông minh cho người dân trên khắp khu vực APAC, thúc đẩy sự phát triển tích hợp giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực".

Cam kết của Huawei đối với thị trường châu Á - Thái Bình Dương được đưa ra sau nhiều năm doanh thu giảm trong khu vực, kể từ khi bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ năm 2019.

Huawei cho biết doanh thu của họ ở châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 14,6% vào năm 2023 xuống còn 41 tỷ NDT (5,6 tỷ USD), bất chấp sự tăng trưởng liên tục trong các mảng kinh doanh điện toán đám mây và năng lượng kỹ thuật số. Khu vực này chỉ chiếm 6% tổng doanh thu của Huawei vào năm 2023, so với 67% của thị trường Trung Quốc.

Những năm gần đây, Huawei đã mở rộng hiện diện tại châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2022, họ ra mắt một doanh nghiệp đám mây mới ở Indonesia và năm 2023 tăng cường quan hệ với nhà mạng Telkomsel trong lĩnh vực ứng dụng 5G.

Những nỗ lực của công ty đã được đền đáp. Trong quý đầu tiên năm nay, doanh số bán hàng của Huawei đạt 178,5 tỷ NDT, tăng 37% so với 130,6 tỷ NDT cùng kỳ năm 2023, theo một tài liệu nộp cho Trung tâm tài trợ liên ngân hàng quốc gia mới đây. Lợi nhuận ròng của Huawei trong quý này đã tăng 564% so với một năm trước lên 19,6 tỷ NDT.

Phương Linh

Phương Linh