Hưởng lợi từ xu hướng phủ sóng 5G tại Việt Nam, gã khổng lồ TowerCo “họ” Viettel được dự báo tăng trưởng 2 con số

Doanh nghiệp này hiện là TowerCo số 1 Việt Nam, đặt mục tiêu 5 năm nữa sẽ đạt 30.000-50.000 trạm BTS qua đó lọt Top 10 TowerCo ASEAN và Top 30 TowerCo thế giới.

Hưởng lợi từ xu hướng phủ sóng 5G tại Việt Nam, gã khổng lồ TowerCo “họ” Viettel được dự báo tăng trưởng 2 con số- Ảnh 1.

Trên sàn chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TowerCo rất hiếm, trong đó cái tên đáng chú ý nhất là Viettel Construction (mã CTR). Tiền thân là đơn vị xây lắp viễn thông với khách hàng chính là tập đoàn mẹ Viettel, từ năm 2019, doanh nghiệp này đã mở rộng sang lĩnh vực TowerCo và mảng kinh doanh mới này đang tăng trưởng "thần tốc".

Viettel Construction hiện là TowerCo số 1 Việt Nam, sở hữu 6.989 trạm BTS; 2,45 triệu m2 DAS; 2.716 km truyền dẫn; 16,92 MWp năng lượng mặt trời tính đến cuối tháng 4/2024. Trong đó, 230 trạm BTS có lớn hơn 2 nhà mạng trở lên thuê vị trí với tỷ lệ dùng chung đạt 1,03. Dự kiến trong năm 2024, Viettel Construction sẽ nâng sở hữu số trạm BTS lên đến 9.975 trạm.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT Đỗ Mạnh Hùng cho biết, khi 5G phủ sóng, hạ tầng của Viettel Construction sẽ là tài sản rất lớn, tạo ra giá trị cao. Viettel Construction phấn đấu 5 năm nữa sẽ đạt 30.000-50.000 trạm BTS qua đó lọt Top 10 TowerCo ASEAN và Top 30 TowerCo thế giới.

Viettel Construction kỳ vọng, việc phát triển hạ tầng giao thông và năng lượng ngày càng lớn sẽ giúp cho đẩy nhanh tốc độ phát triển của công ty. Dự báo đến năm 2030, doanh thu lĩnh vực đầu tư hạ tầng cho thuê có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng, qua đó đóng góp đưa tổng doanh thu đạt mốc USD của Viettel Construction.

photo-1716543962694

Báo cáo phân tích mới đây của Vietcap dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) EBITDA của Viettel Construction sẽ đạt 31% trong giai đoạn 2023-2026, được dẫn dắt bởi CAGR của mảng hạ tầng cho thuê tăng trưởng 58%. Vietcap dự phóng đóng góp của mảng này vào EBITDA của Viettel Construction sẽ tăng từ 30% vào năm 2023 lên 54% vào năm 2026.

Theo đánh giá của Vietcap, việc chuyển đổi công nghệ viễn thông từ 2G và 3G sang 4G và 5G, cùng với nhu cầu tăng cường vùng phủ sóng 4G, sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng viễn thông dày đặc hơn. Do đó, CTCK này dự báo số lượng trạm viễn thông của Viettel Construction sẽ tăng gấp 3 lần lên khoảng 20.000 trạm vào cuối năm 2026.

Bên cạnh đó, Vietcap cũng đưa đóng góp từ việc cho thuê tuyến cáp quang dọc cao tốc Bắc-Nam vào dự báo EBITDA mảng hạ tầng cho thuê giai đoạn 2024-2031. Viettel Construction đang chuẩn bị để xây dựng một phần của tuyến cáp quang dọc cao tốc Bắc-Nam trong giai đoạn 2024-2027, cụ thể là đoạn từ Đà Nẵng vào miền Nam với tổng chiều dài là 2.089 km (vốn đầu tư XDCB là 1.500 tỷ đồng) và đặt mục tiêu hoàn tất xây dựng giai đoạn 1 (389km) vào cuối năm 2024.

Vietcap giả định Viettel Construction sẽ bắt đầu cho thuê tuyến cáp này từ năm 2025 và ước tính dự án này sẽ đóng góp trung bình 15% vào EBITDA của mảng hạ tầng cho thuê trong giai đoạn 2025-2031. Điều này bù đắp cho việc giảm giả định tỷ lệ dùng chung trong giai đoạn 2024-2031 vì nhận thấy việc chia sẻ trạm để triển khai mạng 5G sẽ diễn ra với tiến độ chậm hơn kỳ vọng.

Trong khi đó, báo cáo phân tích của Mirae Asset đánh giá TowerCo sẽ có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong 5 lĩnh vực của Viettel Construction trong giai đoạn 2024-2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 38% và biên lợi nhuận gộp khoảng 23%. Động lực từ mảng này sẽ góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của tổng công ty tăng trưởng cao thời gian tới.

Theo dự phóng của Mirae Asset, doanh thu của Viettel Construction năm 2024/2025/2026 sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 18,8%/19,3%/19,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 21,7%/24,8%/24,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự phóng này cao hơn nhiều so với kế hoạch Viettel Construction đề ra.

Năm 2024, Viettel Construction lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu hợp nhất đạt 12.653 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 671,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11% và 4,1% so với thực hiện 2023. 4 tháng đầu năm, Viettel Construction ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3,607 tỷ và 196 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 11% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2023.

photo-1716543982432

Viettel Construction đánh giá năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn của thị trường, nhưng tổng công ty nhận định với các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho mảng bất động sản, Bộ GTVT chấp thuận Viettel triển khai thực hiện các tuyến cáp ngầm dọc cao tốc Bắc – Nam, tăng lương cơ sở cùng với kỳ vọng khởi sắc về thị trường bán lẻ,… sẽ đem lại những cơ hội thuận lợi cho Viettel Construction tiếp tục bứt phá.

Trên thị trường, cổ phiếu CTR đang dừng ở mức 126.500 đồng/cp, giảm gần 10% so với đỉnh đạt được hồi cuối tháng 3 nhưng vẫn cao hơn khoảng 44% so với thời điểm đầu năm. Vốn hóa tương ứng xấp xỉ 14.800 tỷ đồng. Con số này đưa Viettel Construction trở thành doanh nghiệp "họ" Viettel lớn thứ 2 sàn chứng khoán xét về vốn hóa, sau Viettel Global.

Đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông (TowerCo) là loại hình kinh doanh khá phổ biến trên thế giới. Với hình thức này, sẽ có đơn vị độc lập đứng ra đầu tư hạ tầng viễn thông (trạm BTS, cáp quang, hệ thống inbuilding, hệ thống năng lượng) và sau đó cho các nhà mạng (MNOs) thuê lại. Khi đó, nhà mạng viễn thông thay vì phải phân bổ nguồn lực đầu tư hạ tầng sẽ tập trung hơn vào việc củng cố, nâng cao dịch vụ viễn thông, mang lại lợi ích không chỉ cho khách hàng mà chính nhà mạng viễn thông nhờ cắt giảm chi phí.


Hà Linh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT