Huy động vốn qua kênh chứng khoán đạt gần 10.000 tỷ đồng trong năm 2024

Năm 2024, gần 10.000 tỷ đồng vốn được huy động qua thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến cuối tháng 11/2024 đạt hơn 9,16 triệu tài khoản, tăng 26% so với cuối năm 2023.

Phát biểu tại Lễ đánh cồng và thực hiện nghi thức đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán năm 2025 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, đánh giá năm 2024 là một năm khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, thị trường chứng khoán nói riêng. 

Mặc dù chịu áp lực lớn từ tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán quốc tế nhưng vẫn hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và ghi nhận những kết quả nổi bật nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước.

Huy động vốn qua kênh chứng khoán đạt gần 10.000 tỷ đồng trong năm 2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong đó, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,11% so với cuối năm trước, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,08 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm trước, tương đương 70% GDP năm 2023.

Thị trường có 720 mã cổ phiếu niêm yết và 886 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch. Giá trị giao dịch bình quân trong năm 2024 đạt 20.849 tỷ đồng/phiên, tăng 18,6% so với bình quân năm trước.

Bộ trưởng cũng cho biết, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đã huy động gần 10.000 tỷ đồng vốn qua thị trường chứng khoán, khẳng định thị trường chứng khoán dần trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tính đến cuối tháng 11/2024 đạt hơn 9,16 triệu tài khoản, tăng 26% so với cuối năm 2023.

Trên thị trường trái phiếu, hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã huy động cho Kho bạc Nhà nước trên 330.375,5 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch năm 2024. Thanh khoản thị trường tăng 80,7%, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.767 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục được vận hành an toàn, ổn định, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 211.037 hợp đồng/phiên.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau hơn một năm đi vào hoạt động đã vận hành an toàn, ổn định, thanh khoản thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân đạt 4.336 tỷ đồng/phiên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, bước sang năm 2025, là một năm có những dấu mốc quan trọng, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tài chính và 25 năm thị trường chứng khoán tổ chức vận hành.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là khai thông các nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng của đất nước để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế với những bước phát triển đột phá và bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành chứng khoán nỗ lực không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn. Qua đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách Nhà nước, cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Khánh Hân (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT