Huyện được Hà Nội ưu tiên nguồn lực để lên quận: Có siêu dự án 4,2 tỷ USD với tháp cao nhất Việt Nam, sắp xây các cầu nghìn tỷ

Huyện ở phía bắc sông Hồng đã được HĐND TP Hà Nội thông qua đề án thành lập quận hồi tháng 7.

Được Hà Nội ưu tiên nguồn lực để lên quận

Đông Anh là một huyện ngoại thành phía bắc Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch của Thủ đô; là đầu mối giao thông quan trọng nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. Huyện có trục đường Võ Nguyên Giáp kết nối từ trung tâm thành phố, khu vực Hồ Tây tới cảng hàng không quốc tế Nội Bài - cửa ngõ quốc tế và kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc. Từ huyện này tới khu vực Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm TP Hà Nội khá gần, khoảng 10km.

Tháng 7/2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận này, trên cơ sở nguyên trạng 185,68 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có. Cùng với đó, thành lập 24 phường thuộc quận Đông Anh. Đề án sẽ được hoàn thiện trình Chính phủ, Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023.

Huyện được Hà Nội ưu tiên nguồn lực để lên quận: Có siêu dự án 4,2 tỷ USD với tháp cao nhất Việt Nam, sắp xây các cầu nghìn tỷ - Ảnh 1.

Một góc huyện Đông Anh. Ảnh: VTC.

Việc thành lập quận Đông Anh được đặt trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đưa một số huyện thành quận. Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, trước mắt là ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023.

Thông tin từ Thành ủy Hà Nội, thực hiện Đề án lên quận, đến nay, huyện Đông Anh đã đạt 29/31 tiêu chí. Hai tiêu chí chưa đạt là trường THPT đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị. Đây là hai tiêu chí thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP Hà Nội.

Siêu dự án có tháp tài chính cao nhất Việt Nam

Sáng 11/11 tại huyện Đông Anh, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội - liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) - đã chính thức công bố triển khai Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội với tổng diện tích hơn 270 ha, số vốn đầu tư lên đến 4,2 tỷ USD thuộc các xã Hải Bồi, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ. Chủ đầu tư cho biết Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội sẽ áp dụng những tinh hoa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới

Đáng chú ý, dự án có hạng mục tháp tài chính 108 tầng thuộc danh mục các công trình trọng điểm đã được HĐND TP quyết nghị. Tòa tháp này là điểm nhấn, trọng tâm của dự án, dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Huyện được Hà Nội ưu tiên nguồn lực để lên quận: Có siêu dự án 4,2 tỷ USD với tháp cao nhất Việt Nam, sắp xây các cầu nghìn tỷ - Ảnh 2.

Phối cảnh tháp tài chính 108 tầng của dự án thành phố thông minh. Ảnh: BRG.

Ngoài siêu dự án này, ngày 2/11, huyện Đông Anh tổ chức Hội nghị công bố công khai Đồ án quy hoạch dự án đầu tư Xây dựng Trung tâm hành chính huyện Đông Anh tỷ lệ 1/500. Trung tâm này dự kiến thuộc xã Uy Nỗ và thị trấn Đông Anh; quy mô rộng khoảng 4,97ha; dự kiến là trung tâm “đầu não” – nơi làm việc bộ máy chính quyền đô thị của Đông Anh trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong tương lai, Đông Anh sẽ là một huyện quy tụ nhiều đại dự án của cả nước, đơn cử là Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia rộng 90 ha, quy mô 7.336 tỷ đồng tại Xuân Hội, Xuân Canh; Vinhomes Cổ Loa tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm quy mô 34.879 tỷ đồng; Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical thuộc xã Tiên Dương 3.500 tỷ đồng; dự án công viên Kim Quy, thuộc thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc 190 ha, quy mô 4.600 tỷ đồng,…

Tín hiệu mới về làm các cầu nghìn tỷ

Hiện có 3 cây cầu huyết mạch nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với huyện Đông Anh gồm: Cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long (bắc qua sông Hồng) và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống).

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, ngoài cầu Nhật Tân và Thăng Long, thành phố sẽ xây thêm ba cây cầu vượt sông Hồng để kết nối huyện Đông Anh với trung tâm Hà Nội, đó là Tứ Liên, Thượng Cát và cầu Thăng Long mới.

Đáng chú ý nhất, tại Lễ khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 hồi tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Hà Nội phải khẩn trương nghiên cứu giải pháp nhằm giảm thiểu ùn tắc, trong đó có việc xây cầu Tứ Liên vào năm 2024.

Cây cầu này nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, có tổng chiều dài khoảng 4,8 km, thiết kế với khả năng chịu được động đất cấp 8. Mặt cầu rộng 8 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Dự kiến đây là cây cầu dây văng thứ 2 sau cầu Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội.

Hồi đầu tháng 3, chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thượng Cát và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,2km được HĐND TP Hà Nội thông qua.

Cầu Thượng Cát sẽ đi trùng Vành đai 3,5, bắc ngang qua khu dân cư Liên Mạc - Thượng Cát (Bắc Từ Liêm) và kết nối đến khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) với 8 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 8.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 4 năm (2023 - 2027).

Còn cầu Thăng Long mới ngay cạnh cầu Thăng Long hiện tại, đi trùng đường Vành đai 3, dài 2km, dự kiến xây dựng sau năm 2030.

Huyện được Hà Nội ưu tiên nguồn lực để lên quận: Có siêu dự án 4,2 tỷ USD với tháp cao nhất Việt Nam, sắp xây các cầu nghìn tỷ - Ảnh 3.

Cầu Nhật Tân. (Ảnh: Việt Nam Mới).

Ngoài các cây cầu nói trên, theo bản đồ định hướng phát triển giao thông Phân khu N9 và Phân khu N10 thì còn một cây cầu khác có thể được xây dựng bắc qua sông Đuống, kết nối Đông Anh với quận Long Biên. Vị trí định hướng xây dựng cầu này là đoạn nối đê Phương Trạch (gần bến phà Đông Hội, Đông Anh) với đường Ngọc Thụy (quận Long Biên).

Hồi giữa tháng 10, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, Thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa. Vì vậy, Sở đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận; trong đó một cây cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh. Vị trí này dự kiến kết nối phường Phú Thượng (Tây Hồ) và các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc của huyện Đông Anh.

Như vậy nếu đề xuất này được thông qua, trong tương lai, huyện Đông Anh sẽ có tổng số 7 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống, kết nối Đông Anh với khu vực trung tâm và các quận huyện khách của Hà Nội.

Dự kiến chi gần 5.000 tỷ đồng làm Vành đai 3 qua Đông Anh

Tháng 7/2023, UBND TP Hà Nội có tờ trình HĐND TP về việc phê thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP.

Theo đó, về phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP kiến nghị phê duyệt chủ trương đầu tư cho 49 dự án, gồm 2 dự án nhóm A, 39 dự án nhóm B và 8 dự án nhóm C, với tổng mức đầu tư dự kiến 30.901 tỷ đồng.

Đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư 4.988 tỷ đồng. Về nguồn vốn, UBND TP cho biết, vốn đầu tư dự án sẽ được sử dụng từ hai nguồn ngân sách, trong đó, ngân sách thành phố là 2.711 tỷ đồng và ngân sách huyện Đông Anh là 2.277 tỷ đồng.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT