“Huyền thoại công nghệ Google” lần đầu đến Việt Nam và vị thế của quốc gia “ăn đũa” trong kỷ nguyên AI

TS Jeff Dean, Giám đốc Khoa học của Google, đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate, Gemini lần đầu tiên đến Việt Nam. TS Lương Minh Thắng - nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind - cho biết thực ra ông đã mời được ông Jeff đến Việt Nam từ năm 2020, với mong muốn đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới...

“Huyền thoại công nghệ Google” lần đầu đến Việt Nam và vị thế của quốc gia “ăn đũa” trong kỷ nguyên AI - Ảnh 1.

Lần đầu tiên đến Việt Nam tham dự sự kiện GenAI Summit 2024, TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google - mang áo sơ mi kẻ và đeo balo xanh. 

Ông Jeff được coi là "huyền thoại công nghệ của Google", là đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate, và Gemini. Chia sẻ tại sự kiện, ông cho biết AI không chỉ là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, mà còn đòi hỏi một trách nhiệm đạo đức cao từ các nhà nghiên cứu và kỹ sư.

Nói về những tiến bộ của AI trong việc hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề cấp bách như dự đoán nguy cơ cháy rừng, giám sát sức khỏe của đàn gia súc, và hỗ trợ chẩn đoán bệnh ung thư, TS Jeff cho rằng càng mang đến những lợi ích to lớn, các ứng dụng AI càng cần được đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về tính an toàn và đáng tin cậy. 

Giám đốc khoa học của Google khẳng định rằng trách nhiệm của các nhà phát triển AI là phải đảm bảo các hệ thống của họ không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn phải được xây dựng trên nền tảng đạo đức vững chắc.

Ông đề cập đến 7 nguyên tắc đạo đức mà Google tuân thủ trong quá trình nghiên cứu và phát triển AI, bao gồm tính công bằng, an toàn, và trách nhiệm với xã hội. Bởi theo "thuyền trưởng khoa học" của Google, AI đang mang đến một cuộc cách mạng trong y tế, giáo dục, quản lý xã hội - những lĩnh vực không cho phép xảy ra các sai sót nhỏ nhất.

"AI có tiềm năng chuyển đổi các ngành và cải thiện cuộc sống, nhưng điều thiết yếu là chúng ta phát triển nó một cách có trách nhiệm và đạo đức. Để AI thực sự phát huy tiềm năng, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và tạo điều kiện cho những tài năng trẻ tiếp cận với công nghệ này. Đây không chỉ là trách nhiệm của các công ty công nghệ mà còn của toàn xã hội", TS. Jeff nhấn mạnh.

Vị thế đặc biệt của Việt Nam trong kỷ nguyên AI

“Huyền thoại công nghệ Google” lần đầu đến Việt Nam và vị thế của quốc gia “ăn đũa” trong kỷ nguyên AI - Ảnh 2.
“Huyền thoại công nghệ Google” lần đầu đến Việt Nam và vị thế của quốc gia “ăn đũa” trong kỷ nguyên AI - Ảnh 3.

TS Lương Minh Thắng - nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, đại diện Ban tổ chức - cho biết thực ra ông đã mời được ông Jeff đến Việt Nam từ năm 2020, với mong muốn đưa Việt Nam lên bản đồ AI thế giới. Do vướng Covid, sự góp mặt của ông Jeff mới hoãn lại đến giờ.

"Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á", ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud, nhận định.

Các diễn giả tại sự kiện đồng tình rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI, nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Về chính sách hỗ trợ, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup để có thể đón sóng AI đang "nóng". "Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế", Tiến sĩ Lê Viết Quốc, chuyên gia cấp cao từ Google cho biết.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Việc này không chỉ giúp xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.

Về hệ sinh thái, theo thống kê, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỷ USD đầu tư vào các startup công nghệ trong năm 2023. Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã ở mức trưởng thành tương đương Singapore và Malaysia, cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá. 

Về nguồn nhân lực tài năng, các diễn giả tin rằng Việt Nam có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Sinh viên Việt Nam thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề - những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI. 

"Sinh viên Việt Nam có niềm đam mê mạnh mẽ với toán học, điều này giúp họ có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới của lý luận do AI thúc đẩy", Tiến sĩ Lương Minh Thắng chia sẻ.

Ông Vũ Duy Thức - Founder OhmniLabs - đã lấy bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford (Mỹ). Ông đánh giá Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Bên cạnh tính chất hiếu học, cần cù, thông minh ở người Việt, lượng người Việt đang nắm giữ vị trí chủ chốt ở các tập đoàn lớn trên thế giới cũng là một nguồn tài nguyên quan trọng để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực AI cho Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học. Bà Wendy Uyên Nguyễn nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo và giáo dục về AI một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể.


Bình An

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT