iPhone dần hết thời: Doanh thu sụt giảm, Apple phải lấp liếm bằng vụ mua lại cổ phiếu 110 tỷ USD lớn nhất lịch sử, chỉ nói về mảng dịch vụ vốn đang bị kiện chống độc quyền

Tương lai nào cho hãng điện thoại từng là biểu tượng "sành điệu" của giới trẻ?

iPhone dần hết thời: Doanh thu sụt giảm, Apple phải lấp liếm bằng vụ mua lại cổ phiếu 110 tỷ USD lớn nhất lịch sử, chỉ nói về mảng dịch vụ vốn đang bị kiện chống độc quyền - Ảnh 1.

Tờ Business Insider (BI) cho hay cổ phiếu của Apple đã tăng mạnh trong phiên vừa qua sau thông tin nhà táo khuyết sẽ chi 110 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, trở thành vụ mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử. Trên thực tế, Apple hiện cũng chiếm toàn bộ 6 vị trí đầu trong bảng xếp hạng mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử với thời gian từ năm 2018 đến nay.

Tuy nhiên điều trớ trêu là doanh thu của Apple lại đang giảm 4,3% xuống chỉ còn 90,8 tỷ USD trong quý I/2024. Thậm chí chính nhà táo khuyết còn chẳng buồn nhấn mạnh đến doanh số iPhone, vốn là điều hãng từng tự hào trước đây, mà chuyển qua câu chuyện bán dịch vụ đi kèm như chợ ứng dụng hay thanh toán trực tuyến.

Thế nhưng theo BI, đây lại chính là mảng đang bị Bộ tư pháp Mỹ theo dõi chặt chẽ và kiện Apple vì tội vi phạm luật chống độc quyền.

iPhone dần hết thời: Doanh thu sụt giảm, Apple phải lấp liếm bằng vụ mua lại cổ phiếu 110 tỷ USD lớn nhất lịch sử, chỉ nói về mảng dịch vụ vốn đang bị kiện chống độc quyền - Ảnh 2.

Kết quả tệ hại

Doanh số iPhone của Apple đã giảm trong 5/6 quý gần nhất. Riêng trong quý I/2024, doanh số iPhone đã giảm mạnh đến 10%.

Thậm chí tương lai của Apple cũng vô cùng bất định khi hãng dự đoán mức tăng trưởng yếu thời gian tới do ảnh hưởng nặng nề từ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia thì lại nhận định nguyên nhân chủ yếu là do Apple đã không còn nhiều đổi mới về công nghệ như trước đây.

Việc iPhone thiếu các tính năng đột phá, hoặc chậm chân hơn các hãng smartphone Trung Quốc về đổi mới đã khiến sản phẩm này không còn thu hút được người dùng đổi điện thoại như trước.

Đồng quan điểm, báo cáo của Counterpoint Research cho thấy doanh số iPhone tại Trung Quốc đã giảm 19%, mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó số liệu của IDC thì nhận định doanh số iPhone đang giảm với mức chưa từng thấy kể từ đại dịch Covid-19.

Xin được nhắc rằng iPhone vẫn là nguồn thu chủ lực của Apple khi chiếm đến một nửa doanh số của hãng. Thế nhưng doanh số iPhone trong quý I/2024 chỉ đạt 46 tỷ USD, thấp hơn nhiều mức 51,3 tỷ USD cùng kỳ năm trước, qua đó cho thấy sự thất bại thảm hại của dòng iPhone 15 mới ra mắt năm ngoái.

Apple cho biết đang cố gắng nâng cấp sản phẩm bằng màn hình to hơn, chip mới hơn để tập trung vào công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). iPhone 16 cũng được cho là sẽ có nút bấm riêng để quay chụp. Thế nhưng tất cả những cải tiến này đều được đánh giá là không có gì đột phá.

Thậm chí, các chuyên gia còn đánh giá những mẫu smartphone của thương hiệu Trung Quốc còn đang vượt trội hơn iPhone về một số tính năng và thiết kế mới. Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến iPhone 15 bị thất sủng ở Trung Quốc bên cạnh yếu tố tinh thần yêu nước.

"Những chiếc iPhone ngày nay tốt đến mức chẳng có nhiều lý do để thay thế chúng sau vài năm như trước đây nữa. Cho dù Apple có cố gắng thuyết phục khách hàng rằng mẫu mới có camera tốt hơn hay gì đi chăng nữa thì cũng chẳng đáng bỏ nhiều tiền để nâng cấp. Tôi đang dùng một chiếc iPhone 13 Max và nó tuyệt đến mức chẳng có hứng thú để lên iPhone 16 nữa", tác giả Peter Kafka của tờ BI nhận định

Điểm sáng le lói

Tờ BI cho hay điểm sáng duy nhất trong báo cáo kết quả kinh doanh của Apple là doanh số mảng dịch vụ đã tăng 14% lên 23,9 tỷ USD. Nguồn thu từ chợ ứng dụng App Store, Apple Music, TV+ hay mảng điện toán đám mây iCloud đang đem về lợi nhuận cho nhà táo khuyết.

Trớ trêu thay, điểm sáng mà Apple tự hào khoe khoang năm nay lại đang là tâm điểm của chính phủ Mỹ lẫn Châu Âu khi cáo buộc Apple vi phạm luật chống độc quyền và bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ khác.

iPhone dần hết thời: Doanh thu sụt giảm, Apple phải lấp liếm bằng vụ mua lại cổ phiếu 110 tỷ USD lớn nhất lịch sử, chỉ nói về mảng dịch vụ vốn đang bị kiện chống độc quyền - Ảnh 4.

Hiện cả Mỹ và Châu Âu đều đang ép Apple phải chấp nhận nền tảng thanh toán của bên thứ 3, tiến tới chấp nhận một chợ ứng dụng bên thứ 3 để các doanh nghiệp công nghệ khác được cạnh tranh tự do trên thiết bị nhà táo khuyết.

Câu chuyện cũng dễ hiểu khi Apple không chỉ độc quyền mảng chợ ứng dụng hay các dịch vụ khác trên thiết bị của mình mà còn liên tục mua lại, sáp nhập nhiều đối thủ để giữ thế độc quyền này.

Vô số tính năng trên iPhone, Apple Watch hay Vision Pro của hãng bị cho là sao chép hoặc thậm chí ăn cắp từ những startup nhỏ hơn.

Câu chuyện Apple phải tạm dỡ bỏ Apple Watch đầu năm nay tại thị trường Mỹ vì kiện cáo vi phạm bản quyền là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Trong khi nhà đầu tư hân hoan vì vụ mua lại cổ phiếu khiến giá đi lên thì các chuyên gia đặt câu hỏi tương lai nào sẽ dành cho Apple khi họ không còn là một hãng đột phá về công nghệ như trước đây nữa? Liệu Apple có giữ được vị thế như trước không khi iPhone, động lực tăng trưởng chính, đang dần hết thời?

*Nguồn: BI

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT