Israel, Ấn Độ từng rất thành công huy động hàng tỉ đô la Mỹ bằng giải pháp tài chính này, chuyên gia kinh tế đề xuất Việt Nam học tập

“Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm tài chính như quỹ đầu tư kiều hối, trái phiếu kiều bào. Đây là một chiến lược hiệu quả để không chỉ thu hút dòng kiều hối về Việt Nam mà còn “nắn dòng” tiền này vào những lĩnh vực chiến lược, phục vụ cho mục tiêu phát triển”.

Đó là một trong những đề xuất của TS. Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam nhằm phát huy tối đa nguồn lực "vàng" từ kiều hối.

Ông Tùng cũng dẫn ví dụ về sự thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong việc thực hiện phát hành trái phiếu kiều bào. Đơn cử như Israel đã rất thành công với chương trình trái phiếu Israel. Chương trình đã huy động được hàng tỷ đô la Mỹ từ các cộng đồng Do Thái trên toàn cầu, đặc biệt là để phát triển cơ sở hạ tầng và tài trợ của chính phủ.

Ấn Độ cũng đã phát hành trái phiếu khôi phục Ấn Độ (Resurgent India Bonds) và trái phiếu phát triển Ấn Độ (India Development Bonds) để huy động tiền tiết kiệm của những người Ấn Độ không thường trú (NRI) trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Nước này đã thành công trong việc huy động được số tiền lớn vào thời điểm dòng vốn nước ngoài đổ vào rất quan trọng.

Vị chuyên gia đến từ Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể phát triển trái phiếu kiều bào, đã được sử dụng thành công ở Israel và Ấn Độ như một hình thức để kiều bào thể hiện tình cảm yêu nước và huy động lượng vốn lớn cho các dự án phát triển quốc gia. 

Cũng theo ông Tùng, về cơ bản, các trái phiếu này là nợ của chính phủ hoặc doanh nghiệp, được phát hành cho công dân đang sống ở nước ngoài. Các khoản tiền huy động được thông qua các trái phiếu này thường được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn hoặc để hỗ trợ ổn định kinh tế.

Các trái phiếu này thường cung cấp lãi suất cạnh tranh và đôi khi được miễn thuế tại quốc gia phát hành, khiến chúng trở thành khoản đầu tư hấp dẫn đối với những người di cư muốn đóng góp vào sự phát triển của quốc gia quê hương họ.

Vì trái phiếu thường có thời hạn dài, dòng tiền từ kiều hối sẽ được cam kết sử dụng trong khoảng thời gian dài, giúp đất nước có nguồn vốn ổn định để thực hiện các dự án lớn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển cần thời gian để hoàn thành và mang lại lợi ích.

Để khuyến khích kiều bào đầu tư, theo ông Tùng, trái phiếu kiều bào có thể được phát hành với lãi suất cạnh tranh, thậm chí có thể đi kèm với các ưu đãi thuế hoặc miễn thuế hoàn toàn đối với lợi nhuận từ trái phiếu, làm cho trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với các lựa chọn đầu tư khác, từ đó tăng khả năng thành công của việc huy động vốn.

Ông Tùng phân tích, trái phiếu kiều bào có thể được thiết kế để gắn kết trực tiếp với các dự án cụ thể, như xây dựng hệ thống giao thông công cộng, bệnh viện, trường học hoặc các khu công nghiệp công nghệ cao. Như vậy, dòng tiền kiều hối được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tạo ra tác động tích cực và bền vững.

Ông Tùng cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Đây là một chiến lược hiệu quả để không chỉ thu hút dòng kiều hối về Việt Nam mà còn "nắn dòng" tiền này vào những lĩnh vực chiến lược, phục vụ cho mục tiêu phát triển".

Đức Anh 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT