KBC: Dự kiến chi ra gần 1.300 tỷ để mua lại 50 triệu cổ phiếu
Hội đồng quản trị KBC đã quyết định điều chỉnh và thông qua phương án triển khai mua lại 50 triệu cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ. Với giá giao dịch hiện tại là gần 26.000 đồng/cổ phiếu, KBC có thể sẽ phải chi trả gần 1.300 tỷ để mua lại số cổ phiếu trên.
Mới đây vào ngày 10/4/2023, Hội đồng quản trị Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC, HoSE) đã quyết định điều chỉnh và thông qua phương án triển khai mua lại 50 triệu cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, số cổ phiếu là từ nguồn thặng dư vốn cổ phần tại ngày 31/12/2022, có trị giá 2.743 tỷ đồng. Với mức giá mua lại theo thị trường tại thời điểm giao dịch (không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu).
Phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Thời gian giao dịch dự kiến trong quý 2, 3/2023 sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được tài liệu báo cáo đăng ký mua lại cổ phiếu.
Tại Đại hội cổ đông bất thường 2022, các cổ đông đã thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Phương án được điều chỉnh gần đây đã giảm 50% lượng cổ phiếu dự kiến mua so với trước đây. Động thái mua lại cổ phiếu này là nhằm để giảm số vốn điều lệ.
Trong phiên ngày 11/4, cổ phiếu KBC đang giao dịch với giá gần 25.650 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh hơn 15% trong vòng 1 tháng qua. Thanh khoản cổ phiếu KBC khá sôi động khi bình quân gần 5 triệu đơn vị được sang tay mỗi ngày. Dự kiến KBC sẽ phải chi ra khoảng 1.300 tỷ đồng để mua vào thành công 50 triệu cổ phiếu như đăng ký theo mức giá trên.
Được biết, phía công ty đã thanh toán và mua lại trước hạn 2.400 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ. Đồng thời, KBC đang chuẩn bị nguồn lực để thanh toán hoặc mua lại trước hạn 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng. Trước đó vào đầu năm 2023, tổng dư nợ trái phiếu của KBC là 3.900 tỷ đồng, trong đó có 2.400 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ và 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng.
KBC cho biết trong bối cảnh thị trường vốn gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường trái phiếu bị mất niềm tin với nhà đầu tư, HĐQT đã thực hiện chiến lược ưu tiên dùng mọi nguồn lực tài chính để thanh toán đúng hạn và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đang lưu hành để giữ vững niềm tin cho nhà đầu tư, đối tác và khách hàng.
Phía công ty cho biết, hoàn toàn yên tâm về khả năng thanh toán nợ, đảm bảo lợi ích cho tất cả nhà đầu tư, đối tác và tập trung nguồn lực đầu tư vào các khu công nghiệp lớn mới được phê duyệt cho KBC và các công ty con.
Về tình hình kinh doanh, trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của KBC giảm hơn 3 lần so với cùng kỳ, ở mức 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá vốn cũng như các khoản chi phí liên quan giảm nhiều so với năm trước, cộng với nguồn lợi nhuận khác đến từ các công ty con, thành viên tăng mạnh giúp cho lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn tăng gần 500 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt mức 1.526 tỷ đồng.
BCTC hợp nhất cũng cho thấy, nợ phải trả của KBC tại cuối năm 2022 tăng 18% so với đầu năm, lên gần 17.061 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn và dài hạn đạt hơn 7.638 tỷ đồng, gồm tổng dư nợ trái phiếu hơn 3.857 tỷ đồng.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính là điểm tựa vững chắc cho kế hoạch tài chính khi KBC đối mặt với áp lực thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn trong năm 2023.