Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Khánh Hòa thu hồi 128 tỷ đồng từ các dự án sai phạm

Hà Thị Lưu Luyến

Ttính đến hết tháng 6/2023, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi được 128 tỷ đồng từ các dự án sai phạm được nêu trong Thông báo số 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận số 250 của Thanh tra Chính phủ.

Ngày 1/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo kết quả khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát theo Thông báo số 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận số 250 của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, tính đến hết tháng 6, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước 128 tỷ đồng. Trong đó gồm 9,9 tỷ đồng theo Thông báo 1919/TB-TTCP ngày 11/9/2020 của Thanh tra Chính phủ; 118 tỷ đồng theo Thông báo 680 ngày 30/8/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

khanh-hoa-thu-hoi-duoc-128-ty-dong-tu-cac-du-an-sai-pham-1690875476.jpg
Dự án tại Số 1, đường Trần Hưng Đạo, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vốn là trụ sở Trường Chính trị Khánh Hòa trước đây nằm trong số các dự án sai phạm được nêu. Ảnh: Báo Đầu tư

Trong kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa ngày 21/7 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã trả lời các vấn đề mà cử tri quan tâm về nội dung khắc phục sai phạm, thu hồi tiền thất thoát mà các cơ quan trung ương đã chỉ ra.

Tại kỳ họp, các đại biểu đều ý kiến về việc địa phương khắc phục các sai phạm, trong đó có thu hồi tài sản thất thoát còn chậm so với yêu cầu.

Trả lời về vấn đề này, ông Tuân cho biết các hội đồng thẩm định giá của tỉnh hiện rất “neo người”. Hội đồng thẩm định vừa làm nhiệm vụ thẩm định các dự án mới, vừa thẩm định dự án cũ để tính toán lại việc gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, khi tính xong số tiền thất thoát từ các dự án sai phạm thì hiện tỉnh vẫn chưa thu lại được.

Theo ông Tuân, vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với các doanh nghiệp có dự án sai phạm được nêu trong kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra Trung ương.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan đến các sai phạm mà cơ quan thanh tra, kiểm tra Trung ương đã nêu.

“Sắp tới, chúng tôi cũng phải trao đổi thẳng với các doanh nghiệp, bây giờ phải đóng tiền thất thoát vì Hội đồng thẩm định giá đất mới, xác định được dự án thất thoát bao nhiêu. Quan điểm của tỉnh là các doanh nghiệp phải đóng tiền thất thoát mới được tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư mới”, ông Tuân nêu rõ.

Đây không phải lần đầu tiên cử tri tỉnh Khánh Hòa đề cập tới việc khắc phục các sai phạm, nhất là thu hồi tài sản thất thoát theo thông báo 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận 250 của Thanh tra Chính phủ còn chậm, chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Hồi tháng 12/2022, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa, cử tri cũng chất vấn lãnh đạo tỉnh với những nội dung nêu trên. Bên cạnh việc khắc phục, xử lý các sai phạm sau thanh tra, nhiều cử tri cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm công khai kết quả khắc phục; bao nhiêu dự án sai phạm đã xử lý, truy thu tiền thất thoát, bao nhiêu dự án đang bị vướng. Những số liệu này cần được nêu công khai để người dân, cử tri, đại biểu HĐND tỉnh giám sát và có phản biện phù hợp.

Hà Ly (t/h)