Khảo sát bất ngờ: Gen Z sẵn sàng chi gần nửa tháng lương "đu" concert, mỗi người tham dự gần 3 show/năm

Người trẻ sẵn sàng chi gần nửa số thu nhập tháng cho một đêm concert, xem đây là khoản đầu tư tinh thần đáng giá, theo khảo sát do MoMo thực hiện.

Một khảo sát do ví điện tử MoMo thực hiện với hơn 900 người dùng trong độ tuổi 18–27 cho thấy, người trẻ sẵn sàng chi trung bình tới 43% thu nhập hàng tháng cho một lần tham dự concert.

Kết quả khảo sát ghi nhận ba khoản chi phổ biến nhất bao gồm: vé concert, chi phí ăn uống – di chuyển và các sản phẩm lưu niệm như áo thun, lightstick... Để phục vụ nhu cầu này, nhiều người trẻ sử dụng kết hợp nhiều nguồn tài chính như lương, trợ cấp từ gia đình và cả tiền tiết kiệm. Trung bình, mỗi người tham dự gần ba concert mỗi năm.

Khảo sát bất ngờ: Gen Z sẵn sàng chi gần nửa tháng lương "đu" concert, mỗi người tham dự gần 3 show/năm- Ảnh 1.

MoMo đánh giá, concert đang được người trẻ xem như một hoạt động mang giá trị tinh thần, thay vì chỉ đơn thuần là giải trí. Với nhóm tuổi này, việc tham gia các sự kiện âm nhạc trực tiếp là cách để tìm kiếm cảm hứng, kết nối xã hội và tạo dấu ấn cá nhân. Chi tiêu cho concert vì thế được đặt ngang hàng với các khoản đầu tư cho trải nghiệm cá nhân hoặc sức khỏe tinh thần.

Khảo sát của MoMo cũng phản ánh một xu hướng chung trong hành vi tiêu dùng của thế hệ trẻ: ưu tiên trải nghiệm hơn sở hữu vật chất. Dữ liệu từ thị trường quốc tế cho thấy hiện tượng tương tự.

Tại Mỹ, khảo sát của Cash App năm 2025 cho thấy Gen Z dành tỷ trọng lớn thu nhập cho concert, vượt các mục tiêu tài chính khác như mua sắm hàng hiệu (29%), đầu tư (20%), tiết kiệm nghỉ dưỡng (19%) hoặc trả nợ tín dụng (17%). Trung bình, người trẻ Mỹ đã chi hơn 2.100 USD cho concert trong hai năm qua và sẵn sàng chi thêm khoảng 1.900 USD cho các sự kiện sắp tới.

Tại Việt Nam, báo cáo của UOB cũng cho thấy người tiêu dùng trong độ tuổi Gen Z đang tăng chi tiêu cho các hoạt động trải nghiệm như concert, du lịch, ẩm thực – với mức tăng 42% so với năm trước, cao hơn mức trung bình Đông Nam Á là 35%.

Ngoài vé tham dự, nhiều người trẻ còn chi thêm cho trang phục và phụ kiện theo chủ đề concert. Một số người chuẩn bị riêng "outfit concert" để phù hợp với tinh thần sự kiện hoặc gắn kết với cộng đồng người hâm mộ.

Việc sẵn sàng chi tiêu với tỷ lệ lớn cho hoạt động giải trí như concert cũng đặt ra một số lưu ý về quản lý tài chính cá nhân. Theo các chuyên gia, trong khi trải nghiệm có thể mang lại giá trị tinh thần, người trẻ vẫn nên duy trì sự cân bằng giữa chi tiêu ngắn hạn và kế hoạch tài chính dài hạn, bao gồm tiết kiệm, đầu tư và dự phòng.

Trong bối cảnh các hoạt động trực tiếp phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, concert đang trở thành một phần trong cách người trẻ thiết lập và duy trì trạng thái tinh thần tích cực. Tuy nhiên, mức độ chi tiêu nên được cân nhắc dựa trên khả năng tài chính thực tế, nhằm đảm bảo tính bền vững trong hành vi tiêu dùng của thế hệ này.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT