Kho bạc Nhà nước đang 'cất' gần 100.000 tỷ đồng 'tiền nhàn rỗi' tại ba ngân hàng Big3
Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank đạt 94.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi trong quý I. Trong đó VietinBank và BIDV ghi nhận hơn 45.000 tỷ mỗi nhà băng.
Thông tin này được thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 vừa được ba nhà băng công bố. Trong đó, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng này đều tăng mạnh trong ba tháng đầu năm, đạt 94.000 tỷ đồng.
Nhà băng có số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước nằm trong top đầu là VietinBank. Cơ quan kho bạc có số dư tiền gửi đến cuối quý I là 45.445 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Tương tự, tại BIDV quy mô tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là 40.000 tỷ đồng tiền có kỳ hạn và hơn 5.500 tỷ đồng số dư không kỳ hạn. Con số này tăng hơn gấp đôi so với số dư 19.000 tỷ đồng tiền gửi hồi cuối năm ngoái.
Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank thấp nhất trong ba nhà băng, chỉ hơn 3.300 tỷ đồng. Song, con số này cũng gấp hơn 4 lần đầu năm.
Để tối ưu lợi nhuận từ tiền nhà rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi gửi tiền thanh toán không kỳ hạn và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Quy mô tiền gửi ở mức cao trở thành nguồn hỗ trợ giúp các nhà băng giảm áp lực huy động tiền gửi của khách hàng. Đây là nguồn vốn nhiều ngân hàng mong muốn, nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước theo quy định sẽ phải đấu thầu công khai, song cơ hội để nhận được khoản tiền khổng lồ này chủ yếu vẫn thuộc về các ngân hàng quốc doanh.
Cụ thể, để được nhận tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, trước tiên, các ngân hàng phải có tên trong danh sách "nhà băng có mức độ an toàn cao" do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho Bộ Tài chính.
Sau đó, từ danh sách này, cơ quan kho bạc sẽ đánh giá một lần nữa nhưng dựa trên 4 tiêu chí do Bộ Tài chính quy định gồm: quy mô tổng tài sản; tổng vốn chủ sở hữu; nợ xấu so với dư nợ tín dụng; kết quả hoạt động kinh doanh (lãi sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân) và được tính theo trọng số. Tuy nhiên, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu vẫn chiếm tới 80% trọng số đánh giá.
Qua hai vòng đánh giá này, các ngân hàng sẽ tham gia chào thầu: ai trả lãi cao, ngân hàng đó được ưu tiên.
Tính tới cuối năm 2023, trong gần 7 năm gần 7,8 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân quỹ nhà nước được gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại, nhận hơn 25.100 tỷ đồng tiền lãi.