Kho báu ngầm của Việt Nam được Hàn Quốc, Thái Lan cực kỳ mê: Nửa năm thu hơn 300 triệu USD - Mỹ, Trung Quốc cũng liên tục chốt đơn
Hiện nay Hàn Quốc đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam ghi nhận kết quả khả quan với tổng kim ngạch đạt 335 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, mực chiếm 58% với giá trị 194 triệu USD (tăng 24%), bạch tuộc chiếm 42% đạt 141 triệu USD (tăng 7%). Tuy nhiên, kết quả này không đồng đều ở tất cả thị trường, phản ánh rõ những cơ hội, thách thức và cả các rào cản kỹ thuật đang tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất ở mặt hàng này khi nhập khẩu hơn 122 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam (chiếm 36%), tăng 7% so với cùng kỳ. Các sản phẩm được ưa chuộng tại đây gồm mực ống làm sạch, bạch tuộc chế biến đông lạnh, bạch tuộc nguyên con đông lạnh.

Khối CPTPP cũng ghi nhận mức tăng mạnh 20%, với giá trị đạt hơn 96 triệu USD, trong đó Nhật Bản đóng góp đáng kể với kim ngạch 83 triệu USD (tăng 21%). Các sản phẩm như mực sushi MA, mực tẩm bột chiên và bạch tuộc đông lạnh rất được thị trường Nhật Bản ưa chuộng.
Trung Quốc và Hồng Kông đạt tổng cộng 34 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó Trung Quốc tăng mạnh 87% riêng trong tháng 6/2025. Thái Lan cũng là điểm sáng với mức tăng 37%, nhờ nhu cầu cao đối với bạch tuộc luộc đông lạnh, mực khô và mực nút.
Ngược lại, một số thị trường như Đài Loan, Australia và Hồng Kông sụt giảm, phản ánh sự cạnh tranh gay gắt và những rào cản nhất định về kỹ thuật và thương mại.
Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu mực và bạch tuộc đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo quy định của Nghị định 31/2018/NĐ-CP khiến nhiều lô hàng gặp trở ngại trong thủ tục xuất khẩu. Ngoài ra, quy định về nguyên liệu nhập khẩu và quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm cũng chưa thống nhất, gây ách tắc khi chuyển đổi mục đích sử dụng nguyên liệu.
Việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng lên tới 20% là một vấn đề đáng lo ngại. Các quy định về xuất xứ hàng hóa (transshipment, 40-20-40…) mơ hồ cũng tạo ra rủi ro bị đánh thuế cao hoặc cấm nhập.
Để ứng phó với những thách thức này, các doanh nghiệp xuất khẩu mực, bạch tuộc cần chủ động đa dạng hóa thị trường, trong đó các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan tiếp tục là điểm tựa ổn định, đồng thời nên tận dụng thêm cơ hội từ các thành viên CPTPP khác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chuẩn hóa hồ sơ và quy trình, đầu tư vào hệ thống quản lý chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu để đảm bảo truy xuất minh bạch và đáp ứng yêu cầu xuất xứ trong bối cảnh các hàng rào kỹ thuật ngày càng siết chặt.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên chuẩn bị cho các kịch bản xấu từ thị trường Mỹ, trong đó có khả năng bị áp thuế bằng cách đánh giá lại tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ, điều chỉnh chiến lược thị trường và các hợp đồng dài hạn nếu cần thiết.
Cuối cùng, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ EU và Mỹ về môi trường và truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với ngư dân, đầu tư vào hệ thống truy xuất minh bạch nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường bền vững.
Như Quỳnh