Khóa Việt Tiệp: Gần 50 năm tuổi vẫn sống khỏe, lãi chưa phân phối hơn 110 tỷ đồng, khi nhiều thương hiệu vang bóng cùng thời đã "tuổi già sức yếu"
Có thể gọi Khóa Việt Tiệp là "khóa quốc dân" khi hầu như mọi gia đình đều đã từng sở hữu ít nhất một ổ khóa của hãng này. Trong khi nhiều thương hiệu Việt lâu đời đang mất dần ưu thế trên thị trường thì Khóa Việt Tiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 15-20%/năm.
Thương hiệu vang bóng một thời vẫn sống khỏe
Công ty cổ phần Khoá Việt Tiệp tiền thân là Xí nghiệp Khoá Hà Nội trực thuộc Sở công nghiệp Hà Nội với công suất thiết kế 1 triệu khoá/năm được trang bị toàn bộ thiết bị của nước Tiệp Khắc cũ tài trợ và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/1976.
Trải qua những thăng trầm, biến động kinh tế, Khóa Việt Tiệp đã dần dần khẳng định được thương hiệu sản phẩm và tăng trưởng sản xuất kinh doanh.
Giai đoạn 2003 - 2007, là giai đoạn công ty được kế thừa những kinh nghiệm 30 năm trong nghề sản xuất khoá, hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển; tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước từ 10 - 15%. Cũng là những năm mà các sản phẩm khóa Việt Tiệp rất phổ biến trong đời sống của người dân. Gần như nhà nào cũng có một đến một vài ổ khóa Việt Tiệp.
Năm 2003, lần đầu tiên Khoá Việt-Tiệp chính thức đứng trong hàng ngũ các doanh nghiệp có giá trị SXCN và doanh thu trên 100 tỷ đồng.
Từ năm 2005 – 2007, Công ty tiến hành cổ phần hoá thành công chuyển thành Công ty cổ phần Khoá Việt Tiệp có đăng ký kinh doanh và chính thức đi vào hoạt động theo luật doanh nghiệp kể từ ngày 17/5/2006.
Năm 2011, Khoá Việt Tiệp gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu trên 500 tỷ đồng.
Theo thời gian, dưới sự mở cửa hội nhập kinh tế và sức ép cạnh tranh gay gắt cũng như thay đổi về thói quen, hành vi của người tiêu dùng, trong khi nhiều thương hiệu Việt lâu đời đang mất dần ưu thế trên thị trường thì Khóa Việt Tiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 15 đến 20% một năm.
Ngày nay, Công ty CP Khóa Việt Tiệp là doanh nghiệp sản xuất khóa lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam. Doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới vươn lên sở hữu và làm chủ những công nghệ cao trong sản xuất khoá cơ khí nói chung và khoá điện tử nói riêng, đồng thời bắt kịp với những xu hướng mới của thời đại.
Máy móc, dây chuyền sản xuất được nâng cấp và đầu tư đổi mới công nghệ nhập khẩu từ Nhật Bản, Czech, Hàn Quốc, Đài Loan. Các sản phẩm liên tục được cập nhật công nghệ mới, đa dạng từ mẫu mã, màu sắc, chất liệu đến loại sản phẩm.
Điển hình như trong năm 2021, sau 2 năm hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Khóa Việt -Tiệp đã cùng với Lumi hợp tác chiến lược để cho ra đời dòng sản phẩm khóa điện tử “Make in Vietnam” sở hữu đầy đủ các tính năng hiện đại, khả năng tích hợp cùng hệ sinh thái Nhà thông minh, đủ khả năng cạnh tranh với các loại khóa thông minh nhập ngoại.
Về hệ thống phân phối, đến 2022, Công ty đã có 4 chi nhánh tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ; 1 chi nhánh ở Campuchia; 2 trung tâm lắp đặt và dịch vụ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, công ty có hơn 400 đại lý trên toàn quốc và tại Lào, Campuchia; hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ.
Không chỉ giữ thị phần lớn trong nước, sản phẩm khóa Việt Tiệp đã có mặt ở nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Cuba, Nam Phi, Nga và Nigeria.
Có hơn 110 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối vào cuối năm 2022
Nhờ vào chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng đắn và hiệu quả, công ty đạt mức doanh số hàng nghìn tỷ đồng và có lợi nhuận hàng năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của khóa Việt Tiệp đạt 536 tỷ đồng, trong đó hơn 82% là tài sản ngắn hạn. Tài sản trong kinh doanh của khóa Việt Tiệp chủ yếu nằm trong hàng tồn kho, tại ngày 30/12/2022, công ty có hơn 356 tỷ tồn kho.
Bên kia bảng cân đối, nguồn vốn kinh doanh của công ty được tài trợ chính bằng vốn chủ sở hữu, với vốn điều lệ tới cuối 2022 là 106,5 tỷ đồng; 119,5 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để lại là 110,5 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của công ty khá lành mạnh khi không sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tại 31/12/2022, công ty chỉ có dư nợ vay ngắn hạn 11,7 tỷ đồng và vay dài hạn gần 20 tỷ đồng.