Khoản lỗ bán niên 435 tỷ đồng và Dự án đầu tư yếu kém của Vinachem

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, Vinachem lỗ sau thuế tới hơn 435 tỷ đồng, nhiều dự án đầu tư không hiệu quả khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục tại một số công ty con của Tập đoàn.

khoan-lo-ban-nien-435-ty-dong-va-du-an-dau-tu-yeu-kem-cua-vinachem-antt-1703221030.jpg
Khoản lỗ bán niên 435 tỷ đồng và Dự án đầu tư yếu kém của Vinachem. Ảnh minh hoạ.

Mới đây, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (MCK: DRC) thông báo ngày 29/12/2023 tới đây sẽ là ngày doanh nghiệp này chốt danh sách cổ đông để chi trả tạm ứng cổ tức năm 2023.

Tỷ lệ chi trả bằng tiền là 5%, điều đó có nghĩa mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 500 đồng.

Với gần 119 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DRC dự chi ra 59,5 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian trả dự kiến là ngày 12/01/2024.

Hiện, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang sở hữu DRC với tỷ lệ 50,51%. Do đó, ước tính Vinachem sẽ thu về gần 30 tỷ đồng từ đợt tạm ứng cổ tức này.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (MCK: SRC) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Cụ thể, từ ngày 29/11- 1/12, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn đã mua thỏa thuận hơn 7,2 triệu cổ phiếu SRC từ ông Nguyễn Tiến Ngọc, ông Nguyễn Huy Hùng, bà Trần Thị Thúy Hằng, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Hồ Viết Hùng và ông Nguyễn Tiến Dũng. Sau khi mua vào thành công số cổ phiếu SRC nói trên, Tập đoàn Hoành Sơn nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,54% lên 50,22%.

Với việc sở hữu 50,22% vốn tại SRC, Tập đoàn Hoành Sơn trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này, vượt qua tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam- Vinachem (36%).

Để Tập đoàn Hoành Sơn ‘’vượt mặt’' trở thành cổ đông lớn nhất của SRC, Vinachem đang kinh doanh ra sao?

Theo Báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy, đã có các cơ sở kết luận ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Theo đó, tại thời điểm 30/6/2023, một số dự án của Vinachem như dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan, Lào, hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý; dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm; Dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và Dự án Mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành, hoạt động không hiệu quả.

Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Cũng tại thời điểm trên, Báo cáo tài chính các Công ty con của Tập đoàn là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem phản ánh Nợ ngắn hạn đã vượt quá Tài sản ngắn hạn, lỗ luỹ kế âm vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH Hoá chất và Muối mỏ Việt Lào đang thực hiện các thủ tục chấm dứt các hợp đồng với nhà thầu thuộc Dự án Muối mỏ Việt Lào để tiến hành quyết toán, thanh lý các hợp đồng thuộc Dự án. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề được nêu ở Thuyết minh số 37, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình,

Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH Hoá chất và Muối mỏ Việt Lào - các công ty con của Tập đoàn. Do đó, Kiểm toán không thể xác định liệu Báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH Hoá chất và Muối mỏ Việt Lào đang được hợp nhất vào Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tập đoàn với giả định các đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không.

Lỗ luỹ kế tại nhiều công ty con

6 tháng đầu năm, giá phân bón đã giảm tại hầu hết các thị trường do nhu cầu thấp và giá nguyên liệu đầu vào tăng, do đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, Vinachem đem về 24.392 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế tới hơn 435 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 64%, về còn 500,3 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Vinachem đạt 53.732,4 tỷ đồng, giảm 5,3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng đạt 9.033 tỷ .Hàng tồn kho ở mức 11.173,9 tỷ đồng và dự phòng hơn 50 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Vinachem có tổng nợ phải trả ở mức 29.748 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm; trong đó có 27,750 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Nợ vay tài chính ở mức 13.360,4 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vinachem, Dự án Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn urê/ngày (560.000 tấn urê/năm), tại thời điểm 30/06/2023, Nợ ngắn hạn của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình là 7.976,7 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 8.852,7 tỷ đồng), Tài sản ngắn hạn là 2.004,2 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 2.496,4 tỷ VND), lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu 5.067,3 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 4.411,2 tỷ đồng). Trong kỳ, Công ty đã trả cho Tập đoàn số tiền 150 tỷ đồng nợ gốc; trả nợ cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Sở giao dịch III số tiền 12.500.000 USD nợ gốc và 641.222,2 USD nợ lãi và phí cho vay lại. Công ty đã xây dựng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả nợ. Hiện tại phương án tái cơ cấu tài chính của Công ty đã được cấp có thẩm quyền đồng ý thông qua, Tập đoàn và Công ty đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức tín dụng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, thời điểm 30/06/2023, Báo cáo tài chính giữa niên độ của Công ty đang phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 5.070,3 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 4.857,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế 3.454,0 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 2.974,2 tỷ đồng) lớn hơn vốn góp của chủ sở hữu 732,0 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 252,2 tỷ đồng). Các nội dung này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tuy nhiên Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty được trình bày trên cơ sở giả định hoạt động liên tục vì Ban Tổng Giám đốc Công ty tin tưởng rằng Công ty có thể cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường của Công ty.

Tại Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem, hoạt động liên tục tại thời điểm 30/06/2023, Báo cáo tài chính của Công ty đang phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 5.001,3 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 4.524,3 tỷ đồng) và lỗ lũy kế đến 30/06/2023 là 3.540,3 tỷ đồng (tại 01/01/2023 là 3.044,3 tỷ đồng), bằng 236% Vốn đầu tư của chủ sở hữu. Những sự kiện này cho thấy có yếu tố không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tại Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, thời điểm 30/06/2023, nợ ngắn hạn đã vượt quả tài sản ngắn hạn của Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ là 7.023.939.133 đồng (tại 01/01/2023 là 9.164.778.209 VND), lỗ lũy kế là âm 84.957.693.876 đồng(tại 01/01/2023 là âm 85.243.415.628 VND). Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ. Tuy nhiên, theo các Biên bản họp Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Cần Thơ về việc xem xét chủ trương thanh lý tài sản để thu dòng tiền ổn định giúp Công ty vẫn hoạt động liên tục trong năm tới và thanh toán các khoản nợ theo tình hình tài chính thực tế của Công ty. Do vậy, Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 6 tháng đầu năm 2023 vẫn được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục.

Không chỉ công ty con, bản thân công ty mẹ cũng vẫn còn lỗ luỹ kế. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của công ty mẹ, số lỗ lũy kế của Vinachem đã giảm từ mức hơn 1.824 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm xuống còn hơn 1.721 tỷ đồng ở thời điểm 30/6/2023 nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế gần 103 tỷ đồng.

Nợ phải trả tính tới ngày 30/6/2023 của Vinachem là gần 2.516,2 tỷ đồng, giảm nhiều so với con số trên 3.435,6 tỷ đồng ở ngày 1/1/2023. Trong đó, hầu như tất cả là nợ ngắn hạn với 2.515,7 tỷ đồng. Trong nợ ngắn hạn, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 569,6  tỷ đồng, giảm rất mạnh so với con số 1.565,1 tỷ đồng trước đó nửa năm.

Vinachem hiện vẫn đang phải giải quyết vấn đề đầu tư kém hiệu quả. Hàng loạt công ty con của Vinachem thua lỗ khiến tập đoàn phải dành tới 5.814 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính vào công ty con.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT